THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:05

Khám phá thành cổ Lam Kinh

Truyền lược về khu di tích lịch sử Lam Kinh

Theo sử sách ghi chép lại, Lam Kinh là vùng đất Lam Sơn, quê hương của vị anh hùng Lê Lợi (1385 - 1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống lại giặc Minh (1418 - 1428). Vào năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở đất Thăng Long (Đông Kinh), mở ra một thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đã đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh).

Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200 ha, là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt. Nhà vua đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh. Nơi này còn được gọi là Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh (Hà Nội). Lam Kinh có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua.

Cây cầu Bạch hình cánh cung bắc trên sông Ngọc

Cây cầu Bạch hình cánh cung bắc trên sông Ngọc

 

Đường dẫn vào hoàng thành có con sông Ngọc bắt nguồn từ Tây Hồ, vòng qua trước thành và điện Lam Kinh, nước sông trong xanh, đáy sông có nhiều sỏi tròn đẹp. Khởi nguồn, lễ hội Lam Kinh bắt đầu sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà và được đưa về an táng tại Lam Kinh năm 1433. Năm 1962, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2012, khu di tích Lam Kinh tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày nay, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi) tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội Lam Kinh để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân. Lễ hội Lam Kinh có ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, nhằm tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi - người đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, giành lại giang sơn từ giặc Minh.

Kiến trúc độc đáo 

Với diện tích 200 ha, thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy” - tiêu chuẩn vàng trong phong thủy người Á đông. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, với cách bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu. Cây cầu Bạch, tên gọi xưa là cầu Tiên Loan Kiều bắc trên sông Ngọc là lối đi chính dẫn du khách vào thăm kinh thành cổ Lam Kinh. Cầu được làm theo kiểu dáng kiến trúc độc đáo phổ biến ở các nước nhiệt đới vùng Á đông, đó là thượng gia hạ kiều tức trên nhà, dưới cầu. Nằm trong quần thể thứ nhất, ngọ môn được các nhà nghiên cứu về kiến trúc cổ đánh giá là công trình kiến trúc khá quy mô, căn cứ vào chiều rộng của nền ngọ môn và xét về tỷ lệ quy mô các công trình kiến trúc toàn khu cung điện.

Giếng cổ nước trong xanh quynh năm không cạn cung cấp nước cho điện Lam Kinh.

Giếng cổ nước trong xanh quynh năm không cạn cung cấp nước cho điện Lam Kinh.

 

Ngọ môn có hai con nghê bằng đá đứng canh. Nền ngọ môn rộng 11m dài 14,10m, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6m, cửa hai bên rộng 2,74m và được bố trí ở hàng cột chính giữa. Đặc điểm của 4 cột giữa là rất lớn, đường kính chân cột đo được 78cm. Ngọ môn có 3 gian, gian giữa rộng 4,60m, gian bên rộng 3,50m. Qua ngọ môn vào đến sân rồng (sân chầu). Sân trải rộng khắp bề ngang chính điện và đến sát thềm hai nhà tả vu và hữu vu với tổng diện tích 3.539,2m² (rộng 58,5m; dài 60,5m). Sân rồng là lối vào khu chính điện, gồm 3 toà điện lớn xây trên nền đất rộng, cao 1,8m so với sân rồng, bề ngang 38m, chiều sâu 46m. Từ sân rồng đi lên chính điện là một thềm lớn, rộng 5m có 9 bậc với 3 lối lên, có chiều rộng không bằng nhau, lối giữa rộng 1,8m, lối bên rộng 1,21m, được trang trí hình rồng tạc tròn, thân uốn khúc…

Những câu chuyện huyền bí

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh không chỉ hấp dẫn du khách bởi kiến trúc độc đáo, mà còn thu hút du khách bởi những câu chuyện huyền bí tại khu lăng tẩm của các vua chúa thời hậu Lê. Đầu tiên phải kể đến là Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ). Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50m, phía trước có minh đường rộng rãi và bình phong là núi Chúa, phía sau có gối tựa núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế “hổ phục rồng chầu”. Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh xây chèn bằng đá đục ở bên ngoài, có kích thước 4,4 x 1m. Trước Lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các con giống tạc bằng đá dựng để trấn trạch: bốn đôi con giống đối nhau theo thứ tự hai nghê, hai ngựa, hai tê giác, hai hổ. Bia Vĩnh Lăng được dựng cách lăng 300m, bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,97m, rộng 1,94m, dày 0,27m đặt trên lưng một con rùa lớn cũng được tạc từ đá trầm tích biển nguyên khối có chiều dài 3,46m, rộng 1,9m, cao 0,94m kể cả đế.

Vĩnh Lăng - lăng vua Lê Thái Tổ được bố trí đơn giản nhưng tôn nghiêm.

Vĩnh Lăng - lăng vua Lê Thái Tổ được bố trí đơn giản nhưng tôn nghiêm.

 

Cũng tại khu Vĩnh Lăng này có tồn tại truyền thuyết về cây ổi cười, tạo sự huyền bí cho vùng đất Lam Kinh. Du khách ấn nhẹ ngón tay cù lên thân cây, thì toàn bộ cây ổi đều rung lên như có một cơn gió mạnh thổi qua. Chuyện về cây ổi biết cười bắt đầu từ nhiều năm về trước, do một du khách tình cờ phát hiện. Không chỉ toàn thân cười khi có người chạm vào, cây ổi còn mang lại một cảm giác nhẹ nhõm khác lạ nếu du khách nắm tay vào cành và nhắm mắt lại tĩnh tâm.

Cũng nằm trong khu quần thể lăng mộ, cây lim cổ thụ có tuổi thọ khoảng 600 năm tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được gọi là “cây lim hiến thân”. Chuyện kể rằng, cây lim đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá ra đi ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Thân và cành lim được ước lượng đủ kích thước để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10 cùng năm. Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với chân đá tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65cm vừa với chân đá tảng cột quân. Những sự trùng hợp về kích thước này được đồn đoán rằng, dường như cây lim sinh ra để thực hiện sứ mệnh của 600 năm sau đó là phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế.

Hàng năm, Tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao to lớn của anh hùng Lê Lợi cùng các tướng sĩ đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược.

Hàng năm, Tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao to lớn của anh hùng Lê Lợi cùng các tướng sĩ đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược.

 

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện huyền bí mà du khách được trải nghiệm khi đến thăm quần thể khu di tích Lam Kinh. Du khách không chỉ được sống trong không gian lịch sử, ngược dòng về quá khứ để tưởng nhớ đến một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, mà còn được nghe những tích xưa, tận mắt chứng kiến chuyện lạ, như cách gọi của chính những người dân địa phương: “Quần thể di tích Lam Kinh là thế giới của những câu chuyện cổ tích được xây nên từ những linh khí của trời đất”.      

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh