CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:47

Hà Tĩnh cần tôn tạo di tích tội ác chiến tranh Trường cấp 2 Hương Phúc xứng tầm với lịch sử

Trường cấp II Hương Phúc sau trận bom Mỹ năm 1966 (Ảnh tư liệu)

Trường cấp II Hương Phúc sau trận bom Mỹ năm 1966 (Ảnh tư liệu)

Ngay sau sự kiện lịch sử này, cảm xúc trước sự đau thương, nhà thơ Xuân Diệu đã viết bài thơ:

       "Các em nhỏ ở Hương Khê

Chuyện nở, thung thăng, đi học về

Tiếng trống-rào rào vô lớp học

Nhà trường vui cả một vùng quê.

Mẹ ơi đừng khóc, con thêm xót

Răng cắn môi con đã tím bầm

Em nhỏ Hương Khê chân nhảy nhót

Vạ gì giặc Mỹ, chúng quăng bom ?

…..

Chớ đọc ba mươi ba chiếc bia

Tuổi còn non quá, máu đầm đìa

Lớp năm lớp sáu đời reo hót

Thân hãy còn như măng của tre… "

Trở lại thời kỳ lịch sử những năm 1965 - 1966, như chúng ta đã biết, bị thất bại liên tiếp và nặng nề của cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã đem hàng vạn quân chiến đấu chủ lực vào chiến trường miền Nam. Đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. 

Xã Hương Trạch ngày nay trước đây gồm 2 xã Hương Phúc và Hương Trạch là điểm tận cùng của miền Tây - Nam huyện Hương Khê, giáp với tỉnh Quảng Bình. Nơi đây có Quốc lộ 15A và đường mòn Hồ Chí Minh đi qua, là con đường chiến lược quan trọng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Đồng thời là điểm giáp ranh, tập kết hàng hoá, kho tàng vũ khí quân sự, là điểm dừng chân của bộ đội chủ lực trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam.

Với vị trí chiến lược trọng yếu như vậy, cho nên mảnh đất và con người ở đây đã phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề của mưa bom bão đạn đế quốc Mỹ trong suốt thời gian chiến tranh. Ruộng đồng, nhà cửa, làng mạc bị cày nát bởi bom đạn. Mỗi mét vuông đất ở đây phải hứng chịu trên 4 quả bom các loại.

Trường cấp 2 Hương Phúc huyện Hương Khê được thành lập trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ (1/9/1965). Đây là trường học của con em 3 xã Hương Phúc, Hương Trạch và Hương Lĩnh (nay là xã Hương Trạch). Do tính chất trường học thời chiến và vừa mới thành lập nên trường chỉ có 3 lớp học, 2 lớp 5 và 1 lớp 6. Thời gian học cả sáng lẫn chiều do thầy Hồ Xuân Lâm làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Minh, giáo viên tự nhiên, thầy Thái Văn Nhậm, giáo viên xã hội.

Cũng như những trường học khác thời chiến tranh, công tác phòng tránh bom đạn máy bay Mỹ, kỷ luật học tập được nhà trường thực hiện một cách nghiêm túc. Trường được làm sâu xuống lòng đất hơn 1m, có 3 hầm trú ẩn lớn, mỗi hầm cách nhau 200m. Mỗi lớp học có hệ thống giao thông hào chạy toả xung quanh. Hai bên hào có hầm trú ẩn xen kẽ, mỗi hầm cách nhau 5m.

Hệ thống hầm xây dựng kiên cố theo kiểu hầm chữ A- hầm Triều Tiên, làm bằng các khúc gỗ tròn (hoặc tre) xếp lên nhau thành mái và trát đất dày lên trên. Mặc dù ở vùng trọng điểm ác liệt, đế quốc Mỹ ra sức đánh phá suốt ngày đêm, nhưng việc dạy và học của thầy và trò vẫn diễn ra đều đặn và kỷ cương.

Thế nhưng vào lúc 16 giờ ngày 9/2/1966, một tốp máy bay giặc Mỹ đã ném hàng trăm quả bom xuống khu vực xã Hương Phúc, có 6 quả bom rơi vào khu vực nhà trường, trong đó có 2 quả rơi trúng vào lớp 5A do thầy Thái Văn Nhậm đang giảng bài văn hay. Toàn bộ ngôi trường 2 gian bị bom Mỹ phá huỷ hoàn toàn, lớp học biến thành hố bom sâu. Các quả bom khác rơi xuống hầm trú ẩn, sách vở, dụng cụ học tập đều bị phá huỷ. Khắp nơi vương vãi sách vở, giấy bút nhuốm máu. Nơi trước đây ít phút là lán học sinh đầy ắp tiếng cười, tiếng học bài con trẻ, nay đã là hố sâu nghi ngút khói bom. Không khí tràn ngập tang tóc, đau thương, xót xa, uất hận.

Sau tiếng bom dứt, lực lượng bộ đội, dân quân du kích, thầy cô giáo cùng nhân dân địa phương đã đến đào bới tìm kiếm. Tổng số có 33 học sinh đã bị chết tại chỗ, 24 học sinh và thầy giáo Thái Văn Nhậm bị thương đã được cấp cứu kịp thời. Hầu hết các em học sinh đều tuổi măng non.

Tin giặc Mỹ giết hại học sinh trường cấp 2 Hương Phúc được truyền đi rất nhanh, gây nên một làn sóng căm phẫn trong nhân dân cả nước và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Sự căm thù giặc Mỹ xâm lược đã trở thành một làn sóng mạnh mẽ, rộng khắp với các hoạt động phản đối chiến tranh, đòi đế quốc Mỹ cút khỏi Việt Nam.

Ngày 12/2/1966, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức mít tinh, gửi kiến nghị lên Chủ tịch hội nghị Giơ- ne- vơ yêu cầu có biện pháp đòi đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh. Giáo viên học sinh toàn miền Bắc lúc đó đã để tang học sinh Hương Phúc bị giết hại. Ngày 13/2/1966, Bộ ngoại giao nước ta đã ra tuyên bố cực lực lên án hành động vô nhân đạo tàn sát học sinh trường cấp 2 Hương Phúc ở Hà Tĩnh và đòi đế quốc Mỹ rút về nước.

Hơn mười ngày sau (20/2/1966), đoàn đại biểu trường cấp 2 Hương Phúc gồm thầy giáo Thái Văn Nhậm, phụ huynh Trương Thị Vỹ và học sinh Nguyễn Thị Mão (sống sót trong trận bom ngày 9/2/1966),...do ông Lê Sỹ Nghĩa, Trưởng Ty Giáo dục Hà Tĩnh làm trưởng đoàn ra Hà Nội họp báo tố cáo tội ác của giặc Mỹ trước đại diện các đoàn thể Trung ương và Hà Nội, các trường đại học và phổ thông, hàng trăm nhà thơ, nhà văn, nhà báo trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, ngày 28/2/1966 đoàn vinh dự được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Thời gian gặp Bác kéo dài hơn dự kiến. Tại buổi gặp mặt, Bác rất xúc động, chia sẻ đau thương mất mát đối với các gia đình có con em bị chết, ân cần động viên chỉ bảo, nhắc nhở thầy trò nhà trường phải vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục dạy tốt và học tốt, và căn dặn “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, Hương Phúc phải có nhiều thầy giỏi, trò giỏi. Riêng cháu Mão phải học giỏi để Bác khen”.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, nhân dân xã Hương Trạch nói riêng, huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh nói chung đã ra sức chiến đấu và phục vụ chiến đấu thắng lợi.

Năm 1969, xã Hương Trạch đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, sự kiện đau thương ngày 9/2/1966 cũng đã lùi xa về quá khứ, nhưng không vì thế mà chúng ta lại lãng quên. Trái lại chúng ta cần khắc ghi sự kiện lịch sử này. Năm 1988, Đảng bộ và nhân dân xã Hương Trạch đã xây dựng đài tưởng niệm ngay tại hai hố bom, nơi đã giết hại 33 em học sinh. Tuy đài tưởng niệm còn đơn sơ nhưng là sự thể hiện tình cảm của nhân dân địa phương. Năm 2001, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng chứng tích chiến tranh trường cấp 2 Hương Phúc là di tích Lịch sử Quốc gia.

Trong những năm 2003 -2006, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành Văn hoá Hà Tĩnh và địa phương đã lập quy hoạch xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử với phương châm bảo tồn một địa chỉ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của nhân dân ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Hàng năm, cứ đến tháng 2, Hương Bưởi Hương Phúc vẫn nở thơm ngát trong khu vườn di tích, như nhắc các thế hệ sau hãy đừng quên quá khứ- Hãy nhớ đến đây thắp nén hương thơm cầu mong cho các học sinh bị giết hại ngày ấy được siêu thoát, rằng chúng ta không bao giờ quên lịch sử đau thương này.

                                         

NGUYỄN TRÍ SƠN- NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh