CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:34

Khai mạc Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao đổi với các đại biểu bên hành lang hội nghị 


Đây là một trong ba sáng kiến chính của Singapore trong năm Chủ tịch ASEAN 2018.

Tham dự Hội nghị có hàng trăm đại biểu là đại diện 10 quốc gia thành viên ASEAN, lãnh đạo các thành phố ASEAN tham gia mạng lưới, các tổ chức khu vực và quốc tế, các nước đối tác đối thoại của ASEAN, các công ty tư vấn, cung cấp giải pháp công nghệ, tài chính và các cá nhân, tổ chức liên quan.

Phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho rằng ASEAN đang đứng trước hai xu thế lớn của thời đại là tiến trình đô thị hóa và số hóa. Đến năm 2030, dự kiến sẽ có thêm 90 triệu người trong khu vực sống ở các đô thị, trong đó, các thành phố cỡ vừa (từ 200.000 đến 2 triệu dân) đóng góp khoảng 40% tăng trưởng của khu vực.

Tiến trình đô thị hóa sẽ mang lại nhiều cơ hội cuộc sống và việc làm song cũng sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức như nạn kẹt xe, chất lượng nước, không khí, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, vấn đề an ninh, an toàn cho người dân.

Ngoại trưởng Singapore cho biết hiện nay mỗi ngày có thêm 124.000 dân số mạng và quá trình này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới, vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng và đưa vào triển khai chương trình nghị sự số. Ước tính, việc thực hiện chương trình nghị sự số sẽ tạo ra khoảng 1.000 tỷ USD đóng góp vào GDP của ASEAN trong 10 năm tới trong khi hiện nay GDP cộng gộp của cả khối mới chỉ khoảng 2.500 tỷ USD.

Dựa trên đặc thù đa dạng của các nước thành viên, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan nhấn mạnh hai vấn đề chủ chốt là “khả năng tương kết” và “dịch vụ tích hợp” để thúc đẩy hoạt động hiệu quả của Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN.

Ngay sau lễ khai mạc, đại diện 10 nước ASEAN đã tham gia phiên họp kín đầu tiên để thảo luận và thông qua Tài liệu khung về các thành phố thông minh ASEAN, thống nhất Kế hoạch hành động xây dựng 26 thành phố thông minh ASEAN và danh mục các dự án kêu gọi hợp tác, hỗ trợ trong việc xây dựng các thành phố thông minh ASEAN.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao sáng kiến xây dựng Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; cho rằng sáng kiến đáp ứng tốt nhu cầu hợp tác của các nước ASEAN trong việc xây dựng các thành phố thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng; việc triển khai hiệu quả sáng kiến sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN sáng tạo, tự cường, vì người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng đánh giá những thuận lợi nổi bật và những thách thức không nhỏ mà các nước ASEAN phải đối mặt trong quá trình xây dựng các thành phố thông minh.

Các ý kiến đóng góp và đề xuất của Việt Nam, trong đó có việc cần tính đến sự chênh lệch trình độ phát triển để có những giải pháp phù hợp đối với mỗi thành phố, coi trọng tương xứng các yếu tố phi công nghệ, như hệ thống luật pháp, quy định, trong việc xây dựng thành phố thông minh, việc tiếp cận và làm chủ công nghệ mới, đảm bảo an ninh an toàn mạng… được các nước đánh giá cao, chia sẻ và ủng hộ trong nỗ lực chung thúc đẩy triển khai sáng kiến một cách bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân các nước ASEAN trong việc đối phó các thách thức của quá trình đô thị hóa thông qua tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4.

Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN được các nhà Lãnh đạo ASEAN thống nhất thành lập với mục tiêu tạo khuôn khổ hợp tác và huy động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật từ khu vực tư và các đối tác đối thoại của ASEAN cho việc xây dựng và triển khai các dự án phát triển các thành phố thông minh ASEAN. Hiện nay đã có 26 thành phố ASEAN tham gia mạng lưới, trong đó có 03 thành phố của Việt Nam là thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh