THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:27

Tưng bừng Lễ hội Mai An Tiêm

 

Lễ hội Mai An Tiêm năm 2016 diễn ra trang nghiêm, thành kính với các nghi thức truyền thống như: Rước sắc phong từ Nhà Văn hóa Văn Đức về Đền thờ Đức thánh Mai An Tiêm, chương trình tế lễ, chúc văn ca ngợi Đức Thánh Mai An Tiêm, văn nghệ chào mừng… nhằm tưởng nhớ, tri ân Mai An Tiêm - người có công khai phá, mở mang bờ cõi, thủy tổ của nghề canh nông cho dân trong vùng. Lễ hội cũng là dịp để các thế hệ con cháu tri ân, đồng thời tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, khai thác mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Buổi lễ cũng đã diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian, thi đấu bóng chuyền, cờ tướng...

Theo đó, truyền thuyết kể rằng, Mai An Tiêm - nhân vật huyền sử của nước Văn Lang ở vào cuối thời Hùng Vương, là người có công khai phá, xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn, cũng là người tìm ra quả dưa hấu đỏ. Ông vốn là một nô lệ bị tàu buôn phương Nam bắt làm tặng vật dâng lên Vua Hùng. Nhờ trí thông minh, nhã nhặn, yêu lao động ông được Vua Hùng quý mến tin dùng đặt tên là Mai An Tiêm và ban cho một người thiếp làm vợ, được làm quan cai quản các nô lệ. Do bị các Lạc hầu, Lạc tướng ghen ghét, gièm pha, xúc xiểm nên nhà vua nghi ông khép vào tội phản nghịch, đày ra sống ngoài đảo xa.

 

Khai mạc Lễ hội Mai An Tiêm

 

Tương truyền, chính lúc ông cùng gia đình bị đày ra sống ngoài đảo xa (nay thuộc vùng biển huyện Nga Sơn), nhờ loài chim biển từ phương Tây bay tới đảo ăn trái nhả hạt mà Mai An Tiêm đã tìm ra giống dưa quý. Vào vụ thu hoạch, Mai An Tiêm lấy que vạch lên vỏ quả dưa rồi đem thả xuống biển, với hy vọng những con sóng sẽ đẩy chúng vào bờ. Và những quả dưa đã được đất liền đón nhận, họ xem như đấy là tặng vật của Trời đất. Nhờ có thông tin, sau đó ít lâu ông cùng gia đình đã được Vua Hùng minh oan, đồng thời sai cả đội thuyền ra đảo đón Mai An Tiêm về và phục chức.

Để nhớ ơn Mai An Tiêm, người dân Lạc Việt đã tôn ông là “Bố Cái Dưa Tây”. Hiện nơi gia đình ông sống ở đảo xa người ta vẫn còn gọi là bãi An Tiêm. Giống dưa quý ruột đỏ ấy gọi là dưa đỏ, sau này gọi là dưa hấu.  Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước.

Hoàng Minh/Lao động Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh