Khai mạc diễn tập bảo đảm an toàn thông tin khu vực miền Trung - Tây Nguyên
- Công nghệ
- 11:00 - 21/09/2023
- Hơn 200 phóng viên cả nước tham gia Hội thảo về công tác chuyển đổi số trong hoạt động phát thanh, truyền hình
- Chuyển đổi số là chìa khóa đưa thông tin đối ngoại ra toàn cầu
- Hơn 500 nhà báo tham gia khóa đào tạo chuyển đổi số
- Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là động lực của chuyển đổi số
- Báo chí truyền thống cần chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại
- Thừa Thiên Huế tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số 2022 và ra mắt thêm mạng 5G
Phát biểu khai mạc, ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk cho biết, thế giới đang xây dựng “hệ sinh thái số” toàn diện từ kinh tế số, giải trí số, an sinh xã hội số, giáo dục số, lao động số... Các phương án xử lý và kỹ thuật phòng thủ truyền thống đảm bảo an toàn thông tin dần trở nên không hiệu quả vì mã độc ngày càng thông minh. Hàng năm, Việt Nam đều xây dựng các kịch bản diễn tập, mô phỏng theo các tình huống giả định để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ứng cứu sự cố.
Mô hình “Diễn tập thực chiến” là hình thức diễn tập mới sẽ diễn ra trên hệ thống đang vận hành; qua đó, đưa con người, quy trình và công nghệ của tổ chức tham gia vào quá trình diễn tập, đưa đội ứng cứu vào trạng thái luôn thường trực, sẵn sàng xử lý sự cố trước các cuộc tấn công có chủ đích trong thực tế. Hoạt động diễn tập nhằm tạo ra một sân chơi, không gian kết nối, chia sẻ cho đội ngũ chuyên trách, phụ trách an toàn thông tin các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tăng cường mối liên hệ, hỗ trợ nhau trong quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành thông tin và truyền thông.
Ban Tổ chức công bố quyết định thành lập Ban Giám khảo, Đội tấn công, Đội phòng thủ, Nội quy diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2023. Theo nội quy, các đội tấn công tập hợp những chuyên gia, tấn công trực tiếp qua Internet.
Đội phòng thủ gồm: Các đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Đắk Nông, VNPT Đắk Lắk, Viettel Đắk Lắk. Đội phòng thủ rà soát và tăng cường phương án dự phòng, sao lưu dữ liệu và hệ thống trước khi diễn ra việc tấn công hệ thống; chuẩn bị sẵn các phương án ứng cứu sự cố, phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra; bố trí thành viên trong đội thực hiện các nhiệm vụ: bảo vệ hạ tầng mạng, bảo vệ ứng dụng, khôi phục hệ thống, ứng phó sự cố… Các chuyên gia tham dự đã trình bày Giải pháp an toàn thông tin cho hạ tầng chuyển đổi số; mô phỏng diễn tập tấn công mạng và phục hồi cơ sở dữ liệu.
Bà Bùi Thanh Hà, Trưởng Đại diện chi nhánh Miền Trung, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là một trong sáu nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số. Các tấn công mạng không biên giới quốc gia ngày càng gia tăng, cả về số lượng và mức độ tinh vi.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, vụ tấn công mạng tháng 8/2023 là 1.402 cuộc, tăng 67,7% so với tháng 7/2023. Vụ tấn công mạng trong 8 tháng năm 2023 là 78.600 cuộc. Điều đó cho thấy, đội ngũ nhân lực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều sự vụ phải xử lý, đòi hỏi trình độ và kỹ năng ngày càng phải cập nhật, nâng cao.
Đến nay, sau gần 2 năm diễn tập thực chiến trên toàn quốc, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đang vận hành các hệ thống thông tin tại các sở đã được trải qua những hoạt động phòng thủ và chống đỡ trước các tấn công mạng thực sự, phát hiện ra những điểm yếu còn tồn tại của máy móc thiết bị và con người để kịp thời khắc phục; rút ra kinh nghiệm, bài học, phục vụ cho công việc tốt hơn.
Tại buổi lễ này, Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk; Công ty Cổ phần VNG đã Ký kết thoả thuận hợp tác khai thác ứng dụng Zalo Mini App vào phục vụ công tác chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công tỉnh Đắk Lắk.