Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là động lực của chuyển đổi số
- Công nghệ
- 14:32 - 06/10/2022
Sáng 6/10, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 với các sự kiện: Triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình chuyển đổi số; tổ chức hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Các hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số; khai trương thử nghiệm mạng 5G và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thanh Hóa.
Theo số liệu thống kê, đến nay trên lĩnh vực hạ tầng số, tổng số thuê bao trên toàn mạng ở Thanh Hóa đạt gần 3 triệu thuê bao, đạt 80,39 thuê bao/100 dân. Thuê bao internet trên toàn mạng ước đạt hơn 2,3 triệu thuê bao.
Trên lĩnh vực chính quyền số, tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống hơn 1.5 triệu lượt văn bản, số văn bản gửi đi trên hệ thống là 617.936 văn bản, tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99,07% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước.
Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp 149 dịch vụ công mức độ 3 và 725 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 863 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận 502.225 hồ sơ, trong đó tiếp nhận, xử lý 192.933 hồ sơ trực tuyến.
Ở lĩnh vực kinh tế số, 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 1.138 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; hơn 1,3 triệu hóa đơn điện tử đã được sử dụng và truyền về cơ quan thuế; hướng dẫn, hỗ trợ 66.816 doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; đưa 67 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như “voso.vn” và “postmart.vn” và 577 sản phẩm lên Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ trên 551.817 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu…
Ở lĩnh vực xã hội số, 27/27 bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương; 100% các bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử; triển khai phần mềm quản lý nhà thuốc đến hơn 765 nhà thuốc kết nối với cổng dược Quốc gia nhằm quản lý, kê đơn bán thuốc trong ngành y tế…
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng ban chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin mà là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
"So với nhiều địa phương khác, Thanh Hóa chưa phải là tỉnh có nguồn lực kinh tế mạnh nhưng đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao;… Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố"- ông Liêm thông tin.
“Chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai. Đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin mà là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, dữ liệu và công nghệ số sẽ làm chuyển đổi, cải biến toàn diện mô hình, quy trình, sản phẩm, kết quả đầu ra của quá trình sản xuất, kinh doanh trong xã hội. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn tới. Với tinh thần là chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số; làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số…” – ông Liêm nói.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh: “Định hướng xuyên suốt trong năm 2022 và thời gian tới là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm là phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân; phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh…".
"Chỉ lãnh đạo cao nhất vào cuộc mới thực hiện được chuyển đổi số vì chuyển đổi số là hoạt động mang tính tổng thể toàn diện, có kế hoạch, lộ trình... Bên cạnh đó, bản thân các cán bộ cơ quan, Nhà nước phải thực sự có ý thức trong việc cung cấp dịch vụ công trên nền tảng trực tuyến, đồng thời cần có những giải pháp để khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số thông qua các hoạt động dịch vụ công…”- ông Tiến thông tin.
Cũng tại hội thảo, đại diện từ các bộ, ngành của Trung ương và các tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp đã trình bày tham luận về các giải pháp thúc đẩy kinh tế số; tham luận về chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay...
Trong khuôn khổ các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số còn diễn ra các hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số; khai trương thử nghiệm mạng 5G và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thanh Hóa.
Theo kế hoạch, chiều nay (6/10), hội nghị tiếp tục diễn ra 2 hội thảo với các chuyên đề: Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số tại tỉnh Thanh Hóa; Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh sẽ được tổ chức. Đây là những nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả.