Xác minh vụ khách hàng Vietcombank Huế tố mất tiền trong tài khoản
- Pháp luật
- 06:03 - 19/03/2019
Ngân hàng Vietcombank Huế - nơi anh Trương Quang Lộc mở tài khoản ngân hàng để giao dịch
Chiều 18/3, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Lý Hoàng Vũ – Giám đốc Vietcombank Huế cho biết: ông đang đi công tác nhưng đã được ban lãnh đạo ngân hàng báo cáo lại sự việc một khách hàng tại TP. Huế báo bị mất hơn 50 triệu đồng trong tài khoản mở tại ngân hangfg này. Theo ông Vũ, hiện nay, Vietcombank Huế đang tích cực phối hợp với khách hàng để xác minh, làm rõ sự việc sớm nhất có thể. Theo ông Vũ, khi nào sự việc được làm sáng tỏ sẽ thông báo lại cho báo chí sau; đồng thời thông qua đây ngân hàng cũng cảnh báo đến khàng trước các mánh khóe, chiêu lừa của tội phạm ngân hàng, nhất là tội phạm công nghệ cao.
Mặt khác, anh Trương Quang Lộc, người bị mất tiền cũng đã gửi bản tường trình sự việc cho ngân hàng chủ quản và cơ quan công an địa phương để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, phóng viên nhận được thư phản ánh của anh Trương Quang Lộc (trú tại đường Hải Triều, phường An Đông, TP. Huế) về việc bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng mở tại Ngân hàng Vietcombank Huế.
Trong thư anh Lộc trình bày: bản thân có mở một cửa hàng kinh doanh máy và các phụ kiện máy ảnh tại TP. Huế. Để tiện cho việc kinh doanh trong thời buổi công nghệ số, anh mở một tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank Huế và đăng ký sử dụng dịch vụ internet banking của ngân hàng này để thực hiện các giao dịch mua bán.
Cụ thể, vào lúc 17h45 ngày 12/3/2019 nhân viên tại cửa hàng máy ảnh Trương Lộc của anh Lộc có trao đổi mua bán hàng với một khách hàng thông qua mạng xã hội Facebook. Khách hàng thông qua tài khoản Facebook tự giới thiệu với nhân viên cửa hàng máy ảnh Trương Lộc tên là Nguyễn Văn Nam ở số 5 (ngõ 1104 Đê La Thành, P. Ngọc Khánh, Quận Ba Đình Hà Nội). Theo anh Lộc, tài khoản Facebook này sau đó đã tự khóa và không tìm lại được.
Trong cuộc trao đổi mua bán qua Facebook, khách hàng tên Nam đặt mua mua 1 cái tủ chống ẩm hiệu Nikatei 30L, với giá 1,5 triệu đồng cộng tiền phí vận chuyển 70 nghìn đồng.
“Họ đồng ý mua, nhưng họ nói chỉ mua giúp người quen ở nước ngoài nên tiền sẽ được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Nhân viên tôi đồng ý. Khoảng 15 phút sau khi nhân viên tôi ra về thì có một loạt tin nhắn từ sdt +84 58 4996 486 với các nội dung:
Tin nhắn1: “Western Union Thong Bao: 12/3/2019 So du Tk 0161000148135 (Vietcombank of Viet nam) nhan +1,570,000 VND. Ref +67,70 USD. MGD: 2632-524-337 SMS 18:01
Tin nhắn 2: Vietcombank Xin Thong Bao Quy Khach Vui Long Xac Nhan Thong Tin Hoan Tat Thu Tuc De Nhan Tien Tai: https://www.nhan-tien-quoc-te.com/” SMS 18:01”, anh Lộc trình bày.
“Tôi giao dịch qua internet banking hàng ngày nhưng chưa từng giao dịch quốc tế nên thấy phân vân với hình thức chuyển tiền và nhận tiền lạ này. Tôi cứ nghĩ tại sao mua cái tủ chống ẩm hơn 1 triệu rưỡi mà phải gửi từ nước ngoài về nên đã không làm theo hướng dẫn. Sau đó nhân viên của tôi gọi điện nói “anh kích vào tài link để nhận tiền chưa, mở facebook em ra mới thấy link”. Lúc này một phần đang trực ở bệnh viện rất bận rộn, một phần tin tưởng nhân viên mình đã gọi điện thoại 2 3 lần nên tôi đã click vào link trên điện thoại và làm theo hướng dẫn”, vẫn lời anh Lộc.
Trang web khiến anh Lộc mất tiền
Theo hướng dẫn, anh Lộc bấm vào đường link: https://www.nhan-tien-quoc-te.com/ nằm trên điện thoại cá nhân. Sau đó, điện thoại của anh Lộc liên kết với một trang web và hiện ra thông báo: bạn muốn nhận tiền từ ngân hàng nào. Anh Lộc tiếp tục bấm vào ngân hàng Vietcombank. Tiếp đến, trang web yêu cầu khách hàng nhập mã giao dịch mà nó nhắn đến điện thoại của anh.
Tiếp theo trang web yêu cầu anh Lộc đăng nhập vào tài khoản internet banking của anh. Sau đó thì trên điện thoại của anh xuất hiện tin nhắn từ MOMO với nội dung: “667515 la ma xac thuc (OTP) cua ban. MoMo KHONG yeu cau cung cap OTP/mat khau, tuyet doi KHONG chia se cho bat ky ai duoi bat ky hinh thuc nao SMS 18:27”.
Phần đuôi câu chuyện là anh Lộc ngậm đắng nhìn tiền trong tài khoản của mình bị “bốc hơi” mà không thể ngăn chặn ngay lúc đó. Các tin nhắn gửi về điện thoại cá nhân cho thấy, tiền trong tài khoản ngân hàng của anh Lộc đang bị một ai đó thực hiện lệnh chuyển khoản, với số tiền bị chuyển đi là 50 triệu đồng.
Tin nhắn thể hiện tiền trong tài khoản ngân hàng của anh Lộc bị "bốc hơi"
Một điều đáng nói là, khi biết mình bị lừa, anh Lộc nhiều lần liên lạc với tổng đài của Ngân hàng Vietcombank để phản ánh sự việc và yêu cầu ngăn chặn nhưng không được. “Lúc này tôi biết mình bị lừa nên liên tục gọi cho tổng đài 1900 54 54 13 của ngân hàng chủ quản nhưng vẫn không thể nào liên lạc được với điện thoại viên để báo cáo sự cố và khóa tài khoản. Trong khi đó, số tiền trong tài khoảng của tôi khi tôi đăng nhập từ internet banking thì bị trừ liên tục mà không sao ngăn chặn được. Tôi cố tình xin số tài khoản vietcombank của người quen để chuyển hết số tiền còn lại nhưng nó báo tôi chưa đăng ký mã OTP. Tôi tiến hàng khóa thẻ trên internet banking, hay khóa trực tiếp trên tổng đài đều không được”, anh Lộc cho biết.
“Tôi cứ nhìn số tiền bị trừ liên tục trong hoảng loạn. Sau đó, tôi có gọi điện cho bạn tôi làm bên ngân hàng Vietcombank chi nhánh Huế. Rất may bạn tôi và đồng nghiệp vẫn còn đang làm việc nên đã khóa được tài khoản của tôi. Trước lúc được khóa tài khoản, tôi thấy số tiền của tôi còn 60 triệu đồng, trong khi số tiền trước đó là hơn 110 triệu đồng. Như vậy tổng số tiền tôi bị chiếm đoạt khoảng hơn 50 triệu đồng”, anh Lộc cay đắng.
Bàn tay vô hình nào đang thực hiện lệnh chuyển khoản mà chủ tài khoản không thể ngăn chặn?