THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:52

Tập trung khắc phục hậu quả bão số 12

 

* Tại Khánh Hòa: Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, đến nay có 23 người chết, trong đó huyện Vạn Ninh 4 người, thị xã Ninh Hòa 13 người, huyện Diên Khánh 3 người, TP. Nha Trang 2 người, TP. Cam Ranh 1 người. Có 691 nhà sập hoàn toàn (riêng huyện Diên Khánh có 218 nhà sập), 29.382 căn nhà bị tốc mái. 3.748ha lúa bị ngập, 1.300ha mía bị đổ, 1.200ha mỳ bị thiệt hại, 1.119ha hoa màu bị ngập úng, 1.456 lồng bè bị trôi, 112 tàu bị chìm.

Hệ thống điện ở TP.Nha Trang tê liệt hoàn toàn do có khoảng 110 bị sự cố do tôn và vật thể bay vào trạm biến áp, 400 trụ điện đường dây 200kw, 20 trụ điện đường dây 110kw bị ngã, 20 trạm biến áp bị sự cố. Đến 
9 giờ sáng 5-11, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa đã huy động toàn bộ lực lượng khôi phục điện khu vực nội thị Nha Trang. Dự kiến đến trưa cùng ngày, 2 trạm biến áp phía bắc sẽ khắc phục xong sự cố để cấp điện. Khu vực xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) và huyện Diên Khánh chưa thể cấp nước. Hiện nay Công ty Cổ phần Cấp thoát nước khánh Hoà cũng đang huy động tối đa lực lượng khắc phục sự cố.
 Tại cuộc họp sáng ngày 5/11 với các ngành và địa phương về khắc phục hậu quả bão lũ, ông Lê Đức Vinh-Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ngành phải vào cuộc khắc phục bằng cách xuống địa phương hỗ trợ. Đối với trường hợp người chết thì địa phương nhanh chóng đến thăm hỏi, hỗ trợ. Bên cạnh đó cần khẩn trương rà soát các nhà bị sập, tốc mái, đưa người dân về nơi ở an toàn, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho bà con. Nếu thiếu chỗ ở, địa phương đưa về cơ quan nhà nước, phòng làm việc của UBND cấp xã, huyện, cơ quan quân sự… Nếu cần thiết dựng nhà tạm cho dân, không để bà con bị lạnh.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh-Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người thân bị mất 
 
*Tại Phú Yên: Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, đến sáng 5/11, thiệt hại về người có 1 người chết, 1 người mất tích (có 4 người được thông báo mất tích thì đến tối ngày 4/11 đã trở về nhà). Do ảnh hưởng lũ lụt, triều cường, đến sáng 5/11 đã di dời hơn 5.580 hộ đến nơi an toàn. Riêng hệ thống điện bị hư hỏng rất nặng, Công ty Điện lực Phú Yên đang triển khai khắc phục để sớm cấp điện một số cơ quan đơn vị quan trọng phục vụ cho công tác chỉ đạo và dân sinh, dự kiến khoảng 5 ngày nữa sẽ khắc phục xong và cấp điện trở lại.

Tại cuộc họp với các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh về khắc phục hậu quả cơn bão số 12, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà yêu cầu các lực lượng và địa phương huy động tổng lực triển khai công tác giúp dân khắc phục hậu quả. Sở NN-PTNT hướng dẫn, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, có biện pháp nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi khi thời tiết không an toàn. Yêu cầu Công ty Điện lực Phú Yên có ý kiến với Công ty Điện lực miền Trung và đề nghị điện lực bạn hỗ trợ Phú Yên sớm khắc phục hậu quả, cấp điện phục vụ cho nhân dân. Yêu cầu các sở: Y tế, Công thương khẩn trương triển khai công tác khắc phục môi trường sau bão lũ, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra, cung cấp hàng hóa, vật tư nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân sau bão lũ. Sở GT-VT triển khai công tác khắc phục, đảm bảo các tuyến giao thông thông suốt, đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan khẩn khắc phục những hư hỏng trên tuyến đường sắt qua địa bàn. UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập ban chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 12 và chỉ đạo công tác khắc phục. 

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt thị sát khắc phục bão số 12 tại Vũng Rô

 

* Tại Bình Định: Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, có 104 tàu hàng neo đậu ở khu vực Cảng Quy Nhơn và khu vực phao số 0, trong đó có 10 tàu bị nạn, trong đó 9 tàu bị chìm, 1 tàu bị mắc cạn, hư hỏng. Đến sáng ngày 5.11 đã cứu được 72 người và 1 thuyền viên bị chết và mới phát hiện thêm 2 thuyền viên bị chết trôi dạt ở khu vực biển phường Ghềnh Ráng. Hiện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng phối hợp với ngành chức năng tiếp tục tìm kiếm nhiều thuyền viên bị nạn trên biển. Các thuyền viên bị nạn đang được các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chữa trị, chăm sóc chu đáo. Riêng những thuyền viên bị chết đang được Bệnh viện đa khoa tỉnh bảo quản.

 Còn theo Văn phòng Thường trực PCTT&PTCN tỉnh, mưa bão đã làm 17 tàu cá bị chìm; 10 phường, xã của TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh bị ngập. Toàn tỉnh có 3 người chết, 6 người mất tích; 81 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 446 ngôi nhà bị hư hỏng. Mưa lũ còn làm sạt lở 50 km đường giao thông, 2 chiếc cầu bị sập mố, xói lở; 516 ha lúa mùa ngập, ngã, 18 ha hoa màu, 500 ha cây trồng hư hỏng, 110 con gia cầm chết. 27 lồng bè nuôi thủy sản cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính 461,92 tỷ đồng (riêng thiệt hại các tàu hàng khoảng 400 tỉ đồng).

 Tại cuộc họp sáng ngày 5/11, Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa bão, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Hiện số tàu và thuyền viên bị nạn trên biển còn nhiều, tỉnh ta phải chủ động phối hợp cùng với Ủy ban Tìm kiếm quốc gia TKCN thực hiện, bên cạnh đó triển khai nhanh khắc phục sự cố tràn dầu, không để ô nhiễm môi trường ven biển Quy Nhơn. Báo cáo hồ sơ, lý lịch tàu bị nạn, Trung ương sẽ triển khai công tác trục vớt. Về công tác cứu trợ, tỉnh tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình có thuyền viên bị chết; trường hợp bị thương mổ, hỗ trợ 5 triệu đồng; những thuyền viên bị thương nhẹ hơn hỗ trợ 3 triệu/người và bố trí khách sạn Thanh Bình cho thân nhân các thuyền viên bị nạn ở. Hội chữ thập đỏ tỉnh cấp quần áo cho các thuyền viên. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng trực tiếp đến hiện trường tàu THANH HAI 18 bị sóng đánh dạt vô bờ biển Quy Hòa. 

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh