Kẻ lừa đảo trốn truy nã 14 năm thành tu sĩ vẫn không thoát tội
- Pháp luật
- 17:49 - 14/09/2022
Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đưa tin, ngày 14/9, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Nguyễn Công Văn (SN 1950, trú thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, ngày 12/3/2005, Nguyễn Công Văn được Công ty Xây dựng công trình giao thông 501 (viết tắt là Công ty 501) tiếp nhận và bổ nhiệm chức vụ đội trưởng thuộc Công ty.
Ngày 16/6/2005 Công ty 501 thành lập đội thi công công trình 1.1 do Nguyễn Công Văn làm Đội trưởng. Quá trình làm việc tại đây, Nguyễn Công Văn được giao khoán 3 hạng mục thuộc Công trình bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng và công trình nâng cấp, cải tạo đường ĐT 605.
Do cần tiền để trả lương công nhân, mua vật tư và trả các khoản chi phí khác để thi công công trình nên Nguyễn Công Văn đã vay, mượn, mua nợ vật tư của nhiều cá nhân. Sau khi Công ty 501 thanh toán 100% giá trị sản lượng đã nghiệm thu đối với các công trình trên thì Văn đã sử dụng số tiền đó đầu tư kinh doanh. Do làm ăn bị thua lỗ và không có khả năng trả nợ số tiền đã vay hơn 580 triệu đồng của 6 bị hại, Nguyễn Công Văn đã cắt liên lạc, bỏ đi khỏi địa phương.
Đơn cử, năm 2004, Văn đang thi công công trình khu Sân bay Nước mặn thì có quen biết với ông Nguyễn Vẻ Vang (Đà Nẵng). Ngày 23-1-2005, do thiếu tiền trả lương công nhân và mua vật tư phục vụ thi công công trình nên Văn đến nhà ông Vang để hỏi mượn tiền và được tin tưởng cho vay 128 triệu đồng với lãi suất 2%/ tháng. Văn hẹn 6 tháng sau sẽ trả lại tiền cho ông Vang.
Đến hẹn, ông Vang nhiều lần yêu cầu trả lại số tiền đã mượn thì Văn liên tục hứa hẹn. Tháng 9-2006, do không có khả năng trả lại số tiền đã vay nên Văn đã cắt liên lạc với ông Vang, bỏ đi khỏi địa phương để trốn tránh việc trả nợ.
Quá trình tiếp nhận tin báo và tiến hành điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã ra quyết định truy nã số 3 ngày 7/4/2008 đối với Nguyễn Công Văn. Sau gần 14 năm lẩn trốn, đến ngày 18/2/2022, Nguyễn Công Văn bị bắt đưa về quy án.
Theo tờ Bảo vệ công lý, tại tòa, Nguyễn Công Văn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Văn khai, sau khi vay mượn tiền, đã tìm nhiều cách để xoay xở trả nợ nhưng quá khó khăn đường cùng mới chọn cách “cắt liên lạc” và bỏ trốn. Trong thời gian bỏ trốn, bị cáo đã có “cơ duyên” vào chùa tu và trở thành tu sĩ từ đó. Những tháng ngày ở chùa, là thời gian bị cáo dành để sám hối về những gì bản thân đã gây ra.
“Hiện tại bị cáo đã hơn 70 tuổi, bị cáo không có tài sản nên chắc không còn cơ duyên để trả hết nợ, cho nên chết cũng xin mang theo món nợ này. Với nỗi lòng của Phật tử, bị cáo xin chắp tay lạy, xin lỗi các bị hại…”, bị cáo Nguyễn Công Văn nói.
Các bị hại đều bức xúc đối với bị cáo, họ đồng loạt đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án nghiêm minh, đồng thời đề nghị bị cáo hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị hại.
Theo những bị hại này, số tiền mà Nguyễn Công Văn vay họ vào thời điểm 2005 lầ rất lớn. Đối với nhiều người, đó là cả gia tài, cũng vì hành vi “quỵt nợ” của Văn mà bị hại có người mất mạng, người ly hôn, người thì nợ nần chồng chất đến nay vẫn còn nợ.
Sau khi xem xét HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Nguyễn Công Văn mức án 10 năm tù, buộc bị cáo hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại theo quy định của pháp luật.