Jetstar Pacific còn nhiều cơ hội 'chuyển mình'
- Huyệt vị
- 18:59 - 20/04/2019
Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 vừa công bố, công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific(JPA) đạt tổng doanh thu 9.310 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 34,3 tỷ đồng. Tuy đây là mức lãi thấp nhưng lại là dấu mốc quan trọng của JPA – một hãng hàng không nhà nước nắm 68,8% vốn điều lệ, đã trải qua 2 lần tái cơ cấu và đang tiếp tục phải tìm hướng ra để đóng góp vào hiệu quả hoạt động chung của VNA Group.
Tái cơ cấu đúng hướng
Tính đến cuối năm 2011, JPA đứng ngấp nghé trên bờ vực phá sản khi ngập trong khó khăn, lỗ lũy kế đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Để vực dậy hãng hàng không này, Chính phủ đã giao Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) tiếp nhận nguyên trạng phần vốn nhà nước tại JPA, khi đó do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện vốn chủ sở hữu. Thông qua các đợt tăng vốn điều lệ cho JPA theo thỏa thuận với cổ đông nước ngoài Qantas (Úc), VNA cũng thực hiện tái cơ cấu toàn diện hãng hàng không này với các công việc cụ thể: trẻ hóa đội bay bằng cách trả trước hạn toàn bộ máy bay 5 chiếc B737-400 cũ đang khai thác để thay thế sang A320 đem lại hiệu suất cao hơn; tái cấu trúc nhân sự để giảm chi phí; áp dụng chiến lược phát triển thương hiệu kép VNA-JPA. Những bước đi chiến lược này đã giúp JPA từng bước giảm lỗ, hoạt động có lãi nhẹ 8,4 tỷ đồng vào năm 2014, năm 2015 lãi trên 112 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, JPA có tổng cộng 12 máy bay, thiết lập được 31 đường bay tới 16 điểm đến nội địa và 5 điểm đến quốc tế. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2015, hãng đã mở được 11 đường bay nội địa mới và 5 đường bay quốc tế.
Do những khó khăn về thị trường, rủi ro tỷ giá và khoản lỗ lũy kế có tính chất lịch sử để lại, JPA chưa thể cân bằng tài chính, chuyển từ lỗ sang lãi nhưng tình hình tài chính đã khả quan hơn. Tính chung cả giai đoạn trở thành công ty con của VNA (2012- 2018), lỗ của JPA đã giảm về mức trung bình 254 tỷ đồng/năm so với mức lỗ 471 tỷ đồng/năm của giai đoạn 2008-2011. Những dấu hiệu khá tích cực này cho thấy quá trình tái cơ cấu JPA đã có chuyển biến và đang đi đúng hướng.
Mở rộng quy mô hoạt động
Tính đến cuối năm 2018, quy mô JPA đã được mở rộng hơn với đội bay gồm 15 chiếc A320 (có 150-180 ghế), tuổi trung bình 5,05 tuổi. Mạng bay của hãng gồm 22 điểm đến, trong đó có 16 điểm đến trong nước và 6 điểm đến quốc tế: Bangkok (Thái Lan), Singapore, Hongkong, Taipei, Quảng Châu (Trung Quốc), Kansai (Nhật Bản). Quy mô của JPA trên thị trường nội địa hiện chiếm khoảng 18%, còn quy mô của VNA Group là 52,2%.
Theo định hướng phát triển của VNA Group, năm 2019, JPA tiếp tục phát triển theo mô hình hàng không giá rẻ đẻ khai thác phân khúc thị trường thấp nhằm tăng sức cạnh tranh của toàn tổng công ty. Đây là xu thế tất yếu, phù hợp với sự vận động chung của thị trường cũng như chiến lược phát triển của VNA Group.
Theo chiến lược này, cùng với việc tiếp tục phát triển VNA như một hãng hàng không 4 sao có mạng bay kết hợp quốc tế - nội địa nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng, nắm chắc nhóm khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ, VNA cũng thực hiện chiến lược đồng thương hiệu với JPA trên toàn bộ mạng bay nội địa, phối hợp toàn diện về sản phẩm, mạng bay, chính sách bán, tiếp thị… nhằm bao phủ dải sản phẩm, phục vụ mọi đối tượng khách hàng thông qua mạng bay và tần suất phối hợp, tiếp tục giữ thị phần nội địa của VNA Group ở mức chi phối. Trong đó, JPA tiếp tục là công cụ cạnh tranh ở phân thị giá thấp khi thị trường đang ở vào giai đoạn bùng nổ của hàng không giá rẻ.
Cụ thể, ở những đường bay khách không có khả năng chi trả cao sẽ đưa JPA vào khai thác để giảm lỗ vì chi phí hoạt động của JPA thấp hơn VNA. Trên cùng đường bay, JPA sẽ thực hiện chuyến bay vào những khung giờ khách không muốn chi trả cao để trực tiếp chiếm slot cạnh tranh với hãng giá rẻ khác. VNA tập trung nguồn lực để khai thác ở phân thị giá cao.
Luôn có một câu hỏi đặt ra kể từ khi VNA nhận bàn giao JPA từ SCIC là tại sao JPA không có lãi, và hoạt động kém hiệu quả thì tại sao không buông JPA? Theo các chuyên gia kinh tế, JPA là công ty con của VNA Group nên đánh giá hiệu quả hoạt động phải trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất. Doanh thu và lợi nhuận của VNA vẫn tích cực kể từ khi tiếp nhận JPA, đặc biệt từ năm 2016, VNA Group lần đầu tiên cán mốc lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng và xu hướng đó tiếp tục được duy trì.
Chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Lê Thành Long đã phân tích thêm: hàng không giá rẻ không dễ dàng tìm kiếm được lợi nhuận mặc dù tăng trưởng của phân khúc này vượt trội hơn so với phân khúc truyền thống (năm 2018, tốc độ tăng trưởng của phân khúc giá rẻ đạt 38% trong khi phân khúc truyền thống chỉ đạt 14%- PV). Thậm chí, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu Đông Nam Á là AirAsia hôm qua vừa thông báo hủy hợp tác với đối tác dự kiến và sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác khác để vào thị trường 90 triệu dân này. Nhưng bản thân AirAsia cũng không dễ kiếm lãi, năm 2014 và 2015 cũng báo lỗ, thậm chí lỗ nặng. Nhiều hãng hàng không thế giới quyết định tham gia vào phân khúc giá rẻ bằng chiến lược thương hiệu kép như là một công cụ để bảo vệ thị phần hay nói cách khác là để tạo lá chắn trước sự tấn công của các giá rẻ, thay vì tham gia để kiếm lãi. VNA cũng đang đi theo chiến lược này. Gánh một hãng đang lỗ sẽ không dễ dàng gì, nhất lại là một hãng giá rẻ vì khi JPA lỗ sẽ ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận hợp nhất của VNA Group. Tuy nhiên, cơ hội là vẫn có, bởi VNA đã giảm được dư nợ vay thấp hơn và duy trì được mức lợi nhuận khủng.