Italy thêm 250 người chết, nguy cơ dịch Covid -19 lan xuống miền Nam
- Tây Y
- 16:21 - 14/03/2020
- Bùng nổ Covid-19 cùng thời điểm lẫn quy mô, Italy và Hàn Quốc với cách chống dịch khác biệt
- Phản ứng muộn màng của Italy trước đại dịch COVID-19: "Lời cảnh tỉnh đối với châu Âu và nước Mỹ"
- Virus corona đã lây lan ở Italy như thế nào khiến nước này trở thành ổ dịch lớn thứ nhì thế giới, tỷ lệ tử vong cao?
Thông tin trên báo điện tử VOV.VN, Italy trải qua một ngày chứng kiến những mất mát nặng nề vì dịch Covid -19 khi có thêm 250 bệnh nhân thiệt mạng và trên 2.100 ca nhiễm mới.
Chính quyền nước này đang lo ngại dịch lan xuống các vùng miền Nam, nơi có hệ thống y tế yếu kém hơn nhiều so với miền Bắc.
Trong khi đó, diễn biến dịch Covid -19 tại Italy chưa có bất cứ dấu hiệu nào khả quan sau 4 ngày phong toả toàn bộ đất nước khi số liệu được công bố cuối ngày 13/3 cho thấy, nước này đã có thêm 250 bệnh nhân thiệt mạng và 2.116 ca nhiễm mới. Tổng cộng, Italy có 17.660 ca nhiễm và 1.266 người thiệt mạng kể từ đầu dịch, tiếp tục là nước chịu tổn thất nghiêm trọng nhất bởi Covid 19 trên thế giới, sau Trung Quốc.
Sau khi đã áp dụng các biện pháp gần như nghiêm ngặt nhất để ngăn dịch mà vẫn không có dấu hiệu cải thiện, chính quyền các vùng tại Italy đang yêu cầu Chính phủ Italy cho phép áp dụng các biện pháp riêng biệt.
Tại các vùng tâm dịch ở miền Bắc, các y bác sĩ tại các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá sức chịu đựng, trong khi vật tư y tế đặc biệt là khẩu trang và thiết bị bảo hộ thiếu thốn. Từ nhiều tuần qua chính phủ Italy đã kêu gọi các nước châu Âu giúp đỡ trong việc cung cấp các mặt hàng này nhưng đại đa số đều từ chối. Nhiều người láng giềng với Italy như Áo hay Slovenia đã đóng cửa biên giới với Italy, khiến việc tiếp tế hàng hoá càng thêm khó khăn.
Lo ngại lớn thứ hai của chính quyền Italy là khả năng dịch lây lan mạnh xuống các tỉnh miền Nam Italy, nơi có hệ thống y tế kém phát triển hơn nhiều so với miền Bắc.
Theo VTC.VN, Tây Ban Nha hôm 13/3 cũng tuyên bố phong tỏa với hơn 60.000 người dân ở 4 thị trấn và thủ đô Madrid, khi số ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt.
Trong vòng 24 giờ qua, giới chức nước này ghi nhận thêm 2.086 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 5.232. Số người chết vì Covid-19 tại Tây Ban Nha là 133 với 50 người thiệt mạng mới được xác nhận.
Chính phủ Séc hôm 13/3 quyết định đóng cửa biên giới từ 0h thứ hai (16/3), cấm tất cả người nước ngoài ngoại trừ công dân Séc và những người có cư trú, thường trú tại Séc vào nước này.
Các chuyến bay đến Séc sẽ chỉ chở công dân nước này đồng thời những người trở về Séc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy, Tây Ban Nha, Áo, Đức, Na uy, Thụy Điển, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Anh và Thụy Sĩ sẽ phải cách ly 14 ngày.
Trước đó, Séc chỉ đóng cửa biên giới các Đức và Áo, cũng như cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các nước có nguy cơ cao.
Trước dịch bệnh có tốc độ lây lan chóng mặt này, hiện toàn bộ các nước châu Âu khác cũng đã kích hoạt các biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Nước láng giềng của Italy là Thuỵ Sỹ trong ngày 13/3 đã ra quyết định cấm các cuộc tụ tập có trên 100 người, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh vào nước này, đặc biệt là qua biên giới với Italy. Thuỵ Sỹ là một trong những nước có số ca nhiễm Covid 19 tăng nhanh nhất tại châu Âu và hiện nước này đã có trên 1 ngàn ca nhiễm bệnh.
Đan Mạch, nước đã gần như phong toả đất nước trong 2 ngày qua, tiếp tục gia tăng các biện pháp phòng vệ khi ra lệnh đóng cửa biên giới trong vòng 1 tháng với công dân nước ngoài không có việc khẩn cấp tại nước này, sau khi số ca nhiễm Covid 19 tại Đan Mạch lên tới hơn 800 ca.