Phản ứng muộn màng của Italy trước đại dịch COVID-19: "Lời cảnh tỉnh đối với châu Âu và nước Mỹ"
- Tây Y
- 14:02 - 13/03/2020
Ba tuần trước, người dân Italy hầu như vẫn chưa mấy ấn tượng với virus corona. Vào thời điểm đó, chỉ có 3 ca dương tính với COVID-19, cửa hàng và các quán cà phê vẫn mở cửa, rất đông khách du lịch tới tham quan các địa điểm nổi tiếng tráng lệ của đất nước này.
Khi ấy, việc phong tỏa cách ly cả nước vẫn chỉ là một sự kiện lịch sử xảy ra vào thế kỉ 14 khi bệnh dịch hạch hoành hành.
Còn hiện tại, Italy là quốc gia có số lượng ca dương tính và tử vong do COVID-19 cao nhất sau Trung Quốc. Với hơn 12.000 ca nhiễm và hơn 800 ca tử vong (tính tới hết ngày 11/3), tình hình dịch bệnh ở Italy cao hơn hẳn so với 2 điểm nóng khác trên thế giới là Iran và Hàn Quốc cũng như cao hơn tất cả các quốc gia khác tại châu Âu.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của bệnh, chính phủ Italy đã tuyên bố phong tỏa cả nước cho tới ngày 3/4. 60 triệu dân Italy được yêu cầu hạn chế di chuyển và được khuyên tốt nhất nên ở nhà.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đưa ra một số hạn chế mới, trong đó yêu cầu hầu hết các cửa hàng - trừ cửa hàng cung cấp thực phẩm và dược phẩm - đóng cửa.
Theo Bloomberg, hành động của Italy cho thấy tình hình đã trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết. Hơn 80% số giường bệnh tại Lombarday, tỉnh có nhiều ca nhiễm bệnh nhất, đang được sử dụng để chữa trị các bệnh nhân COVID-19. Các khoa chăm sóc đặc biệt quá tải trong khi một số ca phẫu thuật cũng bị hủy bỏ để có giường cho người bệnh.Sự quá tải này đang đè nặng hệ thống y tế của Italy. Những đối tượng như phụ nữ có thai, trẻ em, bệnh nhân HIV và ung thư, trẻ em cần tiêm vaccine hiện đang không nhận được sự chăm sóc đầy đủ của các y bác sĩ do thiếu nhân lực nghiêm trọng.
Richard Neher, nhà nghiên cứu tại Đại học Basel, nói: "Nếu hành động quá muộn, chắc chắn hệ thống y tế sẽ gặp rắc rối. Nếu không ngăn chặn sự truyền nhiễm virus một cách hiệu quả, việc y tế quá tải là không thể tránh khỏi".
Hay nói cách khác, tình hình ở Italy ngày hôm nay có thể sẽ xuất hiện ở bất kì quốc gia nào khác vào ngày mai. Lombardy - một trong những vùng phát triển nhất châu Âu - đang cho thấy dịch bệnh có thể bùng phát và nhanh chóng trở thành khủng hoảng nhanh tới mức nào khi chính quyền không chuẩn bị sẵn sàng và phản ứng quá chậm trễ. Nhiều người tin rằng, một cuộc khủng hoảng như vậy sẽ tới tại nước Mỹ và các nước châu Âu khác nếu họ không rút ra bài học từ Italy.
Chưa rõ nguyên nhân các ca nhiễm bệnh tại Italy gia tăng nhanh chóng
Vào đầu tháng 2, Italy chỉ có một số ít ca nhiễm COVID-19. Tới ngày 23/2, nước này xác nhận 76 ca nhiễm. Hai ngày sau, con số này tăng lên 229 ca. Từ đó trở đi, số lượng ca nhiễm và tử vong bắt đầu tăng theo cấp số nhân vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chính quyền Italy đã áp dụng một số biện pháp mạnh để ngăn virus lây lan. Tại miền bắc nước này, các hoạt động thể thao, văn hóa, tôn giáo bị hủy bỏ. Một số trường đại học cũng phải đóng cửa. Không lâu sau, cả Italy đều áp dụng lệnh hạn chế di chuyển, người dân được yêu cầu chỉ ra đường vì lí do bất khả kháng như đi làm hoặc mua nhu yếu phẩm.
Tất cả các cuộc họp mặt, các địa điểm công cộng đông người - như rạp hát, phòng gym, khu trượt tuyết, câu lạc bộ, trường học, sự kiện thể thao, thậm chí cả đám cưới và tang lễ - cũng bị đóng cửa.
Hiện tại chưa rõ tại sao số ca nhiễm bệnh ở Italy lại tăng nhanh hơn nhiều so với các nước châu Âu khác, nhưng đã có một số giả thuyết cho vấn đề này.
Ảnh: Emanuele Cremaschi/Getty Images
Theo giả thuyết đầu tiên, các cuộc kiểm tra hàng loạt tại Lombardy đã giúp phát hiện ra nhiều ca nhiễm bệnh hơn trong khi các nước khác gặp vấn đề trong việc xác nhận bệnh nhân nhiễm bệnh.
Giả thuyết thứ hai có thể xảy là virus đã nhanh chóng lây lan trong hệ thống y tế trước khi các bác sĩ Italy nhận ra vấn đề. Khoảng 10% nhân viên y tế tại Lombardy đã nhiễm bệnh và chính lực lượng y bác sĩ cũng chiếm tới 5% số ca nhiễm tại nước này.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng tình hình ở Italy nghiêm trọng bởi tỉ lệ dân số già ở nước này. COVID-19 gây ra triệu chứng nghiêm trọng đối với người lớn tuổi. Do đó, cùng với sự gia tăng của số ca dương tính, hệ thống y tế nước này đã phải hoạt động vượt ngưỡng giới hạn thông thường để chống dịch.
Cựu thủ tướng Italy Matteo Renzi chỉ ra rằng virus đã lây lan tại Italy 10 ngày trước khi chính quyền bắt đầu hành động. Vậy nên Italy đang bị đẩy vào trạng thái bị động - điều mà tất cả các quốc gia nên tránh. Trả lời New York Times, ông Renzi nói: "Cả Italy đã trở thành vùng dịch" và cảnh báo các quốc gia châu Âu khác có thể lâm vào tình trạng tương tự.
Mỹ có thể phòng tránh như thế nào?
Tại nhiều quốc gia, bao gồm Italy, khi cơ quan y tế bắt đầu xét nghiệm nhiều hơn, nhiều trường hợp dương tính với bệnh mới được phát hiện. Các chuyên gia cho rằng số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Mỹ có khả năng sẽ có đi theo "kịch bản" này.
Tính tới ngày 8/3, mới chỉ có 1.700 công dân Mỹ xét nghiệm virus - con số rất nhỏ so với 50.000 trường hợp được xét nghiệm tại Italy và 23.000 tại Anh, theo một số liệu từ Business Insider.
Theo Vox, nếu số ca nhiễm mới tăng gấp đôi mỗi tuần - như Italy hiện tại - Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế.
"Tình hình ở Italy nên là lời cảnh tỉnh đối với toàn bộ châu Âu và nước Mỹ," một chuyên gia nói. "Từ các sự kiện trước đây, có thể thấy rằng một khi hệ thống y tế chịu gánh nặng, sẽ có thêm nhiều người tử vong do các loại bệnh khác hơn là do dịch bệnh đang bùng phát".
Ví dụ, trong đại dịch Ebola trong năm 2014-2016, người dân sống tại các nước có điểm nóng dịch bệnh không nhận được những trang thiết bị y tế cơ bản. Tại vùng dịch Ebola ở Congo, chuỗi cung cấp vaccine bị ngắt quãng khiến dịch sởi bùng phát mạnh trở lại. Trong đợt dịch COVID-19 ở Trung Quốc, nhiều bệnh nhân ung thư, HIV cũng bị ảnh hưởng vì tình trạng thiếu thuốc men. Chưa kể, đại dịch còn gây ra ảnh hưởng lớn về kinh tế và tâm lý của người dân tại vùng dịch.
Để ngăn chặn đại dịch bùng phát, Mỹ và các nước khác có thể phòng tránh bằng nhiều cách để giảm thiểu thiệt hại tối đa.Đầu tiên, các quan chức y tế cần tìm cách ngăn dịch bùng phát thông qua các biện pháp giữ khoảng cách trong xã hội, ví dụ như hủy các sự kiện đông người, khuyến khích người lao động làm việc tại nhà, và đóng cửa các trường học nếu cần thiết.
Steven Hoffman, giám đốc Phòng Thí nghiệm Chiến lược Toàn cầu tại Đại học York, nói: "Sự nguy hiểm của đại dịch là khi mọi người bị nhiễm bệnh cùng lúc, hệ thống y tế không thể nào ứng phó kịp. Điểm mấu chốt của các biện pháp phòng ngừa là giảm quy mô của đỉnh dịch và giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế".
Tại Italy, các biện pháp này không được thực hiện một cách chủ động mà chỉ được áp dụng sau khi cơ quan y tế bắt đầu thấy sự bùng phát các ca nhiễm bệnh. Do đó, các quốc gia khác cần lưu ý vấn đề này.
Ngoài việc giảm sự lây nhiễm virus, các quan chức y tế cần chuẩn bị nhiều yếu tố khác, ví dụ như đủ giường cho bệnh nhân, các khoa chăm sóc đặc biệt phải có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, các chuyên gia y tế phải được tiếp cận với trang thiết bị bảo hộ cá nhân (bao gồm khẩu trang), và có đủ ít nhất máy thở để hỗ trợ 10% số bệnh nhân có nguy cơ nhiễm COVID-19.
Bệnh nhân khỏi bệnh cảm ơn các bác sĩ tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Stringer/Getty Images
Tại Trung Quốc, nỗ lực xét nghiệm, tìm người nhiễm bệnh, truy dấu tương tác gần, cách ly những người có nguy cơ là chìa khóa để ngăn dịch bùng phát - theo Bruce Aylward, người đứng đầu chương trình WHO tại Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc cũng gỡ bỏ rào cản tâm lý của người dân bằng cách chi trả các khoản viện phí xét nghiệm, điều trị và trong một số trường hợp, đưa nhân viên y tế tới từng nhà để lấy mẫu dịch xét nghiệm.
Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng công nghệ để giúp người dân hạn chế tới các nhà thuốc, phòng khám và bệnh viện. Đơn thuốc có thể được kê online và có hệ thống vận chuyển hàng tới từng khu vực dân cư có người nhiễm bệnh.
Một bước quan trọng khác là cung cấp kiến thức cho bệnh nhân, giúp họ biết khi nào nên tới bệnh viện, khi nào cần xét nghiệm và khi nào nên ở nhà - Jennifer Nuzzo, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là học giả cao cấp tại Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế, cho hay.
"Điều tôi lo lắng hàng đầu đó là người dân sẽ đổ xô tới các bệnh viện bởi họ muốn có thêm thông tin và xét nghiệm. Điều đó đã xảy ra trong dịch H1N1 năm 2009. Chỉ riêng điều đó cũng khiến hệ thống y tế bị quá tải".
Một nghiên cứu mô hình giả thuyết về Vũ Hán - thành phố bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc - cho thấy việc phong tỏa chỉ trì hoãn tiến trình dịch bệnh từ 3 đến 5 ngày.
Một chuyên gia Mỹ cho rằng việc phong tỏa như vậy sẽ khiến nhiều người Mỹ gặp vấn đề tâm lý bởi khi họ không được tiếp xúc với người khác, họ sẽ không cảm thấy an toàn. Nhiều người có thể sẽ phản ứng tiêu cực và điều đó sẽ không có lợi cho xã hội.