Huỳnh Phúc Hậu - chàng 'du tử' của nhiếp ảnh miền Tây
- Văn hóa - Giải trí
- 15:25 - 09/11/2021
Năm nay, nước lũ không về, còn Hậu đang ngày đêm làm nhiệm vụ của một người thuộc tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại một tỉnh miền biên giới. Thế nhưng, các tác phẩm nhiếp ảnh về mùa nước nổi của anh vẫn được cộng đồng mạng chia sẻ mạnh mẽ, như cách hoài niệm về một thời điểm mộc mạc, lãng mạn và đặc biệt quan trọng tại vùng đầu nguồn miệt Cửu Long.
Cái tên Huỳnh Phúc Hậu giờ đây đã rất nổi tiếng trong cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam. Thế nhưng, nhiều người nhận ra rằng anh không quá xem trọng các giải thưởng, hoặc chỉ chăm chăm tham gia các triển lãm. Anh đến với nghệ thuật nhiếp ảnh bằng tâm thế rong chơi của một chàng du tử. Anh được quý mến bởi phong cách thật thà, bộc trực, đậm chất miền Tây Nam bộ và quan niệm "tứ hải giai huynh đệ".
Bắt đầu từ một lần chụp thử ảnh
Huỳnh Phúc Hậu sinh năm 1966 và lớn lên tại Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ngày nhỏ anh có thói quen thích ngắm các bức ảnh đẹp ở bất cứ nơi đâu. Những tấm ảnh mang đến cho anh những cảm xúc rất lạ. Anh cũng muốn mình chụp được những bức ảnh như vậy. Thế nhưng, vào thời bao cấp ấy, chiếc máy ảnh là một mặt hàng có giá bán nằm ngoài khả năng tài chính của gia đình. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Hậu khăn gói lên Sài Gòn học kỹ thuật y, khoa chẩn đoán hình ảnh (X-Quang).
Ngẫu nhiên, trong thời điểm này, người bạn học của anh sở hữu máy ảnh và hành nghề chụp hình dạo để kiếm tiền ăn học. Thế là anh đã có cơ hội sờ vào cái máy ảnh và chụp thử. Chỉ vậy thôi, cũng khiến Hậu thấy sung sướng.
Học xong, Huỳnh Phúc Hậu trở về quê làm việc tại khoa chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Châu Đốc. Tập trung công việc, lo “cơm - áo - gạo - tiền” cho đến hơn 40 tuổi thì Hậu mới có cơ hội tiếp xúc với nhiếp ảnh thực sự. Anh đã đăng ký lớp nhiếp ảnh tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, học với thầy Phùng Hiệp, một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của Sài Gòn. Hậu đã học một cách nghiêm túc và đam mê.
Bước chân vào nhiếp ảnh ngay buổi giao thời của máy cơ và kỹ thuật số, Hậu đã lĩnh hội được thế mạnh của cả 2 loại máy này. Anh miệt mài sáng tác, tìm tòi. Dù chụp ảnh với loại máy nào, anh cũng luôn quan niệm rằng hãy ít can thiệp kỹ thuật vào các bức ảnh. Nhờ vậy, các tác phẩm của anh luôn thể hiện được nét chân thực của khung cảnh, sáng tối.
Cảm xúc quê hương
Từ buổi đầu ngô nghê và vụng về, dần dần anh đã bắt được những hình ảnh đẹp và lạ. Cứ có thời gian rảnh rỗi là anh mang máy lang thang khắp tỉnh An Giang để sáng tác. Từ lúc nào không rõ, các bức ảnh mà anh chụp về mùa nước nổi, lễ hội đua bò Khmer, cảnh thiên nhiên với con người và sông nước ở vùng đất An Giang đã làm trái tim của người yêu nhiếp ảnh rung động. Anh tham gia các triển lãm ảnh khu vực, toàn quốc, cả những triển lãm tại nước ngoài. Năm 2009, nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu được nhận danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Từ khi thành danh, Hậu đi nhiều hơn. Anh tận dụng tất cả những ngày nghỉ trong năm để lãng du sáng tác. Nhưng rất lạ, chỉ những bức ảnh có bối cảnh quê nhà mới là những tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác. Có lẽ quê nhà là nơi anh hiểu nhất, nên đã nắm bắt được những góc cạnh có hồn nhất.
Đến giờ, người ta vẫn nhắc nhiều về các bộ ảnh chủ đề bãi rác, mùa len trâu, hoặc mùa nước nổi. Tất cả đều là câu chuyện có nhân tố con người làm trung tâm. Như bộ ảnh bãi rác, chụp tại huyện Tịnh Biên, nơi những bé gái nghèo khổ chìm trong khung cảnh mờ ảo, sương khói, đẹp và buồn đến nao lòng.
Nói về những bức ảnh này Huỳnh Phúc Hậu chia sẻ: “Lúc chụp ảnh bé gái đang bới rác mưu sinh, tim tôi run lên từng hồi. Đến khi về nhà làm ảnh, tự dưng nước mắt cứ trào dâng. Điều này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến cho tôi cảm thấy bị căng thẳng, nên quyết định không xem lại các hình ảnh đã chụp về bãi rác ấy nữa”.