Tăng cường kiểm soát xã hội để chống dịch hiệu quả
- Y học 360
- 14:02 - 09/11/2021
Riêng ở TP.Hồ Chí Minh, khu vực huyện Hóc Môn đã phát hiện hàng nghìn "ổ dịch gia đình". 2 huyện Nhà Bè và Cần Giờ đã "chuyển màu" từ vàng lên cam - cấp độ nguy cơ cao. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh cũng đã "chuyển màu" với chiều hướng tăng cấp độ nguy cơ, trong đó TP. Cần Thơ đã chuyển từ xanh lên vàng và đang đề nghị chuyển thành cam.
Điểm khác biệt so với những tháng cao điểm dịch cách đây vài tháng là hiện có rất nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chủ yếu rơi vào các trường hợp đã tiêm vaccine. Mặc dù số ca nặng nhập viện không quá nhiều, nhưng tình trạng nhiều người không có triệu chứng lại khiến cho dịch có nguy cơ lây lan một cách âm thầm, người dân khó biết để "né tránh", còn cơ quan y tế cũng khó kiểm soát.
Một số địa phương mặc dù nâng cấp độ nguy cơ dịch bệnh, nhưng không thể quay lại biện pháp chống dịch như cũ, là phong tỏa diện rộng, dựng rào chắn ngăn sông cấm chợ, chia cắt giữa các địa giới hành chính, ngăn cản lưu thông người và hàng hóa... Các biện pháp được sử dụng chỉ là tăng cường kiểm soát y tế, cảnh báo người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch và một số biện pháp mang tính chuyên môn khác.
Trong bối cảnh này, ý thức tuân thủ các quy định phòng chống dịch của người dân là rất quan trọng. Qua quan sát thực tế, mặc dù đa số người dân hiện đã thực hiện khá nghiêm thông điệp 5K, thận trọng trong các tiếp xúc, nhưng vẫn có một số người tỏ ra chủ quan. Ở ngoài đường đã lác đác có những người không đeo khẩu trang, hoặc đeo khẩu trang "cho có lệ"; một số nhóm người tụ tập khá đông "tám chuyện" hoặc ăn nhậu, trong đó có những người không đeo khẩu trang và không đảm bảo khoảng cách. Bên cạnh đó, vẫn có những quán ăn, giải khát không có dung dịch sát khuẩn và bố trí khoảng cách giữa các bàn khá gần với nhau...
Đó chính là những "ổ dịch tiềm tàng", vì chỉ cần có một F0 "vô tình" xuất hiện ở đó thì việc có người bị lây nhiễm là khó tránh khỏi. Và khi những người bị lây trở về sinh hoạt chung với gia đình thì họ sẽ tiếp tục lây cho người trong nhà. Việc xuất hiện nhiều "ổ dịch gia đình" thời gian gần đây chính là theo cơ chế đó.
Đó là chưa nói đến số lượng hàng chục nghìn F0 tại TP.Hồ Chí Minh đang cách ly ở nhà để điều trị, không phải ai cũng có ý thức bảo vệ cộng đồng. Không loại trừ khả năng có những F0 đã tự ý đi ra ngoài tiếp xúc với những người khác, làm lây lan dịch.
Vì vậy, bên cạnh việc kêu gọi ý thức của người dân, rất cần các biện pháp quản lý của chính quyền địa phương. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang, nhưng với tình hình này, cần thiết phải bổ sung lực lượng kiểm soát và có thẩm quyền xử phạt các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần có lực lượng đủ nhân sự kiểm soát, quản lý số F0 đang cách ly tại nhà, nếu phát hiện vi phạm thì cần có hình thức xử phạt thật nghiêm khắc.
Việc kiểm soát xã hội trong tình hình dịch bệnh đang đe dọa như hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi chỉ có kiểm soát được xã hội, qua đó ngăn chặn được các hành vi có nguy cơ đối với cộng đồng, kiềm chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh thì mới có được môi trường an toàn, thuận lợi để phục hồi và phát triển kinh tế.