Huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ): Có nghề, có việc làm là thoát nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:41 - 17/04/2016
Kênh rạch Vĩnh Thạnh.
So với mặt bằng chung của TP. Cần Thơ, Vĩnh Thạnh là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đầu năm 2011, huyện có 2.480 hộ nghèo, tỷ lệ 9,27%. Để giảm nghèo nhanh, bền vững, lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh xác định, ngoài sự hỗ trợ kịp thời về các chế độ thì dạy nghề giải quyết việc làm là yếu tố cơ bản cần được triển khai thực hiện.
Là huyện vùng xa của TP. Cần Thơ, kinh tế Vĩnh Thạnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong khi công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ mới chỉ ở dạng sơ khai, tự phát và nhỏ lẻ. Cùng với đầu tư phát triển kinh tế, chương trình giảm nghèo được đẩy mạnh thông qua công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Thông qua các lớp dạy nghề và các dự án vay vốn giảm nghèo, hàng nghìn lao động của Vĩnh Thạnh đã có việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.
Năm qua, Vĩnh Thạnh đã kết hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức 33 lớp nghề cho khoảng 1.100 lao động, trong đó có 27 lớp nghề may công nghiệp cho 918 học viên. Sau khi hoàn thành khóa học hầu hết các học viên đã được cung ứng cho Nhà máy May Vinatex Cần Thơ do có sự tiếp nhận thông tin nhu cầu tuyển dụng của nhà máy. Cùng với đó, huyện cũng làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời để 36 người đi xuất khẩu lao động.
Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, Chi nhánh Ngân hàng chính sách Xã hội huyện phối hợp các hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn cung cấp tín dụng ưu đãi cho 4.138 lượt hộ nghèo, với số tiền trên 33,2 tỉ đồng; 6.798 lượt hộ cận nghèo, với số tiền gần 77,6 tỉ đồng. Huyện tổ chức xây dựng và bàn giao 1.184 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, với số tiền trên 28 tỉ đồng. Ngoài ra các hội, đoàn thể xây dựng 182 căn nhà cho hội viên nghèo, gặp khó khăn về nhà ở, với số tiền tương đương 4 tỉ đồng, hỗ trợ kinh phí mua 31.763 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, 18.766 thẻ BHYT cho người cận nghèo. Tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho 43.416 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho 7.698 học sinh, miễn, giảm học phí cho 7.909 học sinh. Các ngành, đoàn thể chức năng huyện quan tâm đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg cho 114 người nghèo, cận nghèo, trong đó có 84 người nghèo có việc làm ổn định, chiếm tỷ lệ 73,68%...
Mênh mông đồng lúa.
Công tác giảm nghèo của huyện Vĩnh Thạnh được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới... nên đã thu được kết quả rất khả quan. Huyện còn chú trọng nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Huyện xây dựng 11 mô hình chăn nuôi bò, dê, heo, với 328 lượt hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân cho 185 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn chăn nuôi, với số tiền trên 3,3 tỉ đồng. Qua kiểm tra, các hộ đạt lợi nhuận bình quân: Chăn nuôi bò 10 triệu đồng/hộ, chăn nuôi heo 5 triệu đồng/hộ; có 178 hộ thoát nghèo, 8 hộ thoát cận nghèo... Hộ chị Võ Thị Phượng, ấp Quy Lân 1, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, có ba mẹ con sống bằng nghề làm mướn, con trai là lao động chính trong nhà, đang làm thuê cuộc sống rất khó khăn. Nhờ được vay vốn chăn nuôi, cuộc sống đã ổn định và ngày càng khá hơn.
Nhờ vậy đến cuối giai đoạn giảm nghèo 2011-2015, toàn huyện có 3.097 hộ thoát nghèo, 3.652 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,52%/năm, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 1,12%/năm. Cuối năm 2015, huyện còn 461 hộ nghèo, tỷ lệ 1,65% (giảm 7,62% so với đầu năm 2011); 963 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,46% (giảm 5,99% so với đầu năm 2011).
Bước vào giai đoạn mới 2016 - 2020, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia tăng cường tuyên truyền vận động người nghèo tham gia học nghề, chí thú làm ăn, từng bước vươn lên; tiếp tục nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả để giúp người nghèo nâng cao thu nhập.
Huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% trở lên theo chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo các cấp, giám sát thực hiện tại các xã, thị trấn, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo có ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Huyện tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện tốt các chính sách trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như quan tâm nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả.