THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:28

Thúc đẩy người dân tự lực thoát nghèo

 

Theo đó, Chương trình đặt ra mục tiêu  thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo giai đoạn 2016 – 2020.

Hộ nghèo tại huyện nghèo sẽ giảm 4%/năm  

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tập trung nguồn lực, chỉ đạo, chính sách cho vùng dân tộc thiếu số, xã huyện đặc biệt khó khăn, địa phương ven biển hải đảo… Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên trên cả nước. Giảm nghèo vừa tập trung thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, thúc đẩy phát triển sinh kế, tạo thu nhập cho người dân. Đồng thời tạo cơ hội cho người dân, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 sẽ khuyến khích người dân tự vươn lên thoát nghèo.

“Chủ trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 là thay đổi chính sách, đặc biệt là chính sách cho hộ nghèo, người nghèo: giảm dần chính sách cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, cho vay… Huy động sức mạnh sự tham gia của xã hội, cộng đồng và chính người nghèo cả về nhân lực, kinh nghiệm, nguồn lực thực hiện chính sách. Thực hiện Luật Đầu tư công, phân bổ kế hoạch trung hạn 5 năm, để địa phương toàn quyền quyết định sử dụng nguồn lực trên địa bàn theo mục tiêu, nhiệm vụ địa phương giao, trên khung thống nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.      

Theo bản dự thảo khung chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020, một số mục tiêu cụ thể được đề ra như: Giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 đến 1,5%/năm, riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần. Riêng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn tăng lên 2 lần so với cuối năm 2015. Đồng thời góp phần cải thiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo và cộng đồng nghèo.

Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20-30% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng

Ông Ngô Trường thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Nguyên tắc cơ bản xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 là hài hòa các cơ chế, qui trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dụ án của Chương trình; có sự khác biệt về định mức hỗ trợ và mức độ ưu tiên theo đối tượng, địa bàn, nội dung hoạt động. Thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo. Áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng; hạn chế dàn trải, nhỏ lẻ, không kèm theo điều kiện dẫn đến hiệu quả thấp.

Tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng.

Phân cấp tài chính trọn gói cho địa phương, tăng cường phân cấp cho cơ sở và trao quyền cho cộng đồng, vùng với nâng cao năng lực và giám sát – đánh giá. Đa dạng hóa, lồng ghép các nguồn lực, gồm nguồn ngân sách nhà nước, tín dụng, dân góp,nguồn vốn lồng ghép khác. Thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các bên liên quan trọng thực hiện Chương trình. Chương trình sẽ sử dụng kết quả đo lường nghèo đa chiều làm căn cứ xác định ưu tiên đầu tư, có tính kết nối với các chương trình – dự án khác.

Theo khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là gần 46 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, huy động nguồn viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 2.000 tỷ đồng.

Chương trình dự kiến sẽ gồm 5 dự án thành phần, trong đó bao gồm nhiều tiểu dự án: Dự án Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 5 là nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh