CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:17

Tiếng gọi bạn tình từ làng nghề Đọi Sơn

Làm đàn môi đòi hỏi tỉ mẩn gia công từng chi tiết. Sản phẩm chị Hoa làm xong có người thẩm âm ngay, những cái không đạt lập tức bị loại bỏ.

Ông Chu Thế Canh, Chủ tịch UBND xã Đọi Sơn phấn khởi cho biết, làm đàn môi là nghề mới ở địa phương, góp phần đa dạng ngành nghề tại chỗ và tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống người dân… 

Nâng niu trên tay chiếc đàn môi nhỏ nhắn, xinh xinh dài chừng 5 - 6 cm, chị Nguyễn Thị Thoa, 38 tuổi, thợ làm đàn môi ở thôn Đọi Tam, cho hay: “Nghề làm đàn môi du nhập về làng từ năm 1999 - 2000, do một người làng tên Tiến đang sống ở Hà Nội đem mẫu về đặt làm. “Xưa nay người trong làng chúng tôi chỉ quen tay búa tay đục làm những chiếc trống truyền thống, nay làm thêm cả đàn môi - một nghề đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ tới từng chi tiết, nghề rất kén thợ tài khiến cho không ít người bỏ cuộc...”. 

Theo lời chị Thoa, người trụ lại được với nghề phải thật khéo léo, có trí kiên trì cũng như có khả năng thẩm âm đặc biệt, có vậy mới làm ra được những chiếc đàn môi đạt tiêu chuẩn và kiếm được tiền từ làm nghề.

 Chiếc đàn môi chỉ bé bằng đầu ngón tay, được cấu tạo bởi lá đồng mỏng có lưỡi gà nhỏ dao động được ở phía tâm, đầu đàn nhọn. Thoạt nhìn đàn môi trông giống như chiếc kim thêu cỡ lớn, có người còn lầm tưởng là chiếc phi tiêu của mấy trò chơi dân gian. Tuy nhiên khi hoàn thiện, người nghệ sĩ đưa chúng lên miệng thổi, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những âm thanh du dương, réo rắt lay động sâu thẳm lòng người.

Về quy trình sản xuất ra một chiếc đàn môi, trước tiên phôi đồng được dập sẵn bằng máy và được người thợ đưa vào trà bóng, mài giũa lấy mặt phẳng. Tiếp theo đến công đoạn tạo rãnh, đây là khâu quan trọng nhất vì nó quyết định chất lượng âm thanh của chiếc đàn, cuối cùng là khâu thẩm âm, khâu này kiểm tra chất lượng âm thanh của đàn, chỉ cần sai lệnh âm chuẩn chút xíu là sản phẩm lập tức bị loại vào thùng phế liệu. Trừ khâu làm phôi, các công đoạn đều làm thủ công nên đòi hỏi sự chính xác của tay nghề người thợ rất cao.

Chất liệu để làm đàn môi là đồng luyện đủ độ, được dập thành lá. Trước đây chỉ có thể làm ra một loại đàn, nhưng hiện nay, các nghệ nhân tại làng nghề đã làm được 30 mẫu khác nhau, mỗi mẫu đàn lại có âm thanh khác nhau, tùy thuộc vào người thổi và nhu cầu biểu diễn. Để tiện cho khâu bảo quản và dễ phân biệt, từng loại đàn được cho riêng từng loại vào ống đựng đã được luộc qua nước vôi để vô trùng, đảm bảo vệ sinh mỗi khi đưa đàn lên miệng thổi.

Sản phẩm kèn môi chờ ngày xuất ngoại.

Anh Lê Ngọc Tiến, người đưa nghề làm đàn môi về làng kể rằng, trong việc làm ra một chiếc đàn môi khó nhất là khâu xẻ rãnh để lấy tiếng (tức thẩm âm), người thợ phải căn chỉnh từng li, xử lý sao cho âm thanh của đàn có độ nẩy, độ ngân, độ dao động lâu. Vì vậy, đòi hỏi người thợ ngoài tay nghề phải có đôi tai thẩm âm tốt, bởi chỉ thay đổi độ dày mỏng một li của rãnh đàn, âm đàn phát ra đã rất khác nhau…

Là nghề đòi hỏi sự khéo léo, tài hoa cao, nên cả xã Đọi Sơn cũng chỉ điểm được 5 - 6 thợ lành nghề, còn lại làm việc phụ. Với giá 3000 - 4000 ngàn đồng/ chiếc đàn thành phẩm, một ngày thợ lành nghề làm được 50 - 70 cái, tạo việc làm cho nhiều thợ phụ, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình trên địa bàn. Như lời anh Tiến, loại nhạc cụ xuất xứ từ đồng bào người Mông nay đã được xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, số ít bán tại Việt Nam... Trên thế giới hiện có khoảng 30 quốc gia chơi loại nhạc cụ này. Bình quân mỗi năm Cty của anh Tiến xuất bán 1-2 vạn chiếc đàn môi.

Cũng theo anh Tiến, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 10 loại đàn môi khác nhau, trong đó loại đàn môi của người Mông được giới thạo nhạc trong nước và thế giới đánh giá rất cao về chất lượng âm thanh. Tiếng đàn môi khi đồng bào Mông cất lên được ví như tiếng gọi bạn tình giữa mùa xuân. Dựa vào những đặc tính đó, anh Tiến nghiên cứu và tạo ra nhiều loại đàn môi khác nhau và anh đã thành công. Hiện, anh Tiến giao phôi hàng thường xuyên cho gần 50 hộ trong làng sản xuất, thu nhập bình quân 2 - 3 triệu đồng một người/tháng.

“Ông tổ” đàn môi Đọi Tam Lê Ngọc Tiến tỏ ra lạc quan về tương lai của nghề làm đàn môi ở Việt Nam, bởi theo anh, hiện nay trong đàn điện tử (organ) chưa tích hợp được loại âm thanh độc đáo này. Ngoài việc tạo việc làm cho địa phương, đây hẳn là nghề độc đáo khi chiếc kèn môi của người Mông lại được người đồng bằng sản xuất rất thuần thục, đại trà...   

THANH NGỌC - TUẤN MÃ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh