THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:27

Thanh Hóa: Ô nhiễm môi trường ở làng nghề chế biến thủy, hải sản

Lao động tham gia chế biến hải sản ở Ngư Lộc.

Thực trạng đáng lo ngại

Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa), tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 81 doanh nghiệp, trên 1.000 cơ sở, hộ gia đình chế biến, kinh doanh thủy sản. Tại 6 huyện vùng ven biển (Tĩnh Gia, Quảng Xương, Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, TX Sầm Sơn) có tới 17 làng nghề, 220 cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thủy hải sản. Các cơ sở chủ yếu sản xuất, chế biến nước mắm, dạng mắm; bột cá; hàng đông lạnh; hàng khô; cá hấp và sản phẩm thủy sản khác…Trong số đó, huyện Tĩnh Gia là địa bàn có số lượng doanh nghiệp và các cơ sở, hộ chế biến nhiều nhất. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chế biến thủy, hải sản tại đây cũng phức tạp và nóng nhất.

Trong khi đó, phần lớn các cơ sở chế biến lại nằm trong khu vực dân cư nên tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng. Mặt khác, các cơ sở sản xuất chế biến thủy, hải sản chưa có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm, do vậy phần lớn đều xả thẳng nước thải ra môi trường.

Kết quả quan trắc môi trường tại một số cơ sở và hộ gia đình tại huyện Tĩnh Gia như: Công ty XNK chế biến thủy sản Thanh Hóa, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Đức Quý, Công ty cổ phần Sông Việt Thanh Hóa, Công ty Long Hải… của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho thấy: Chất lượng nước thải có các chỉ tiêu vượt QCVN như: SS vượt QCVN 1,03 - 1,81 lần; COD vượt QCVN 1,02 - 4,45 lần; BOD5 vượt QCVN 1,4 - 5,23 lần; Sunfua vượt QCVN 1,05 - 2,03 lần; NO2- vượt 7,5 lần; Photpho vượt QCVN 1,14 lần; Coliform vượt QCVN 1,18 - 4,78 lần..

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm từ các điểm sơ chế hải sản tươi ngay tại bờ biển, thậm chí sát mép đã và đang là thực trạng đáng lo ngại ở một số địa phương ven biển. Hầu hết các điểm sơ chế vô tư xả trực tiếp nước thải ra bờ biển. Việc nước thải từ sơ chế hải sản tươi hằng ngày được xả thẳng ra môi trường đã gây ra tình trạng ô nhiễm về không khí, nước biển và khu vực bãi biển… Đặc biệt vào những ngày nắng, khô, mùi hôi thối theo gió bốc lên gây ảnh hưởng nghiêm trọng vào khu dân cư.

Rác thải từ các cơ sở chế biến vô tư xả ra đê.

Cần sớm phải di dời !

Như đã nói, hầu hết, hoạt động chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, phần lớn là hoạt động xen kẽ trong khu dân cư với trình độ sản xuất thấp, sản xuất thủ công. Bên cạnh đó là ý thức về việc BVMT của các chủ cơ sở còn thấp, nên ô nhiễm môi trường ở lĩnh vực này đang có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư.

Có mặt tại xã Hải Thanh, một trong những xã được xem là điểm nóng nhất, bức xúc nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chế biến thủy hải sản của huyện Tĩnh Gia, chị Hoàng Thị Hải, chủ một cơ sở chế biến ở thôn Thanh Đông cho biết: “Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, đến nay cơ sở đã nằm trọn trong khu dân cư đông đúc của xã. Trước đây quy mô có thể  sản xuất từ 20 đến 30 tấn cá khô mỗi ngày, hoạt động thường xuyên trong thời gian dài cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Trước bức xúc của nhân dân và yêu cầu của các cơ quan chức năng, nên nay buộc phải giảm quy mô sản xuất xuống còn 5-7 tấn/ngày”.

 Cơ sở chế biến của chị Lê Thị Chỉ, thôn Thanh Xuyên cũng ở trong tình trạng tương tự, trong khi việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng lên đến cả tỷ đồng, nay vì gây ô nhiễm đã phải giảm quy mô, sản lượng, thu nhập của cơ sở cũng giảm sút mạnh. Nếu như cơ sở trước kia có thể tạo việc làm cho 50 - 60 lao động địa phương, nay chỉ còn trên dưới 20 người kể cả vào giai đoạn cao điểm…

Ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết: Với dân số trên 18.000  người, hơn 400 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, các hộ chế biến thủy, hải sản, trong đó phần lớn là nằm trong khu dân cư, thậm chí gần với trường học, trạm y tế xã. Việc các cơ sở chế biến nằm sâu trong khu vực dân cư đông đúc đã gây ô nhiễm nặng mỗi khi các cơ sở này vận hành hoạt động. Mặc dù các cơ quan chức năng của huyện đã tổ chức rà soát tất cả các cơ sở chế biến thủy, hải sản trên địa bàn, từ đó lập quy hoạch, bố trí khu đất mới cho 8 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô sản xuất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên quá trình triển khai còn chậm và có nhiều vướng mắc nên từ cuối năm 2013 đến nay vẫn chưa thể triển khai được...” .

Không chỉ tại Hải Thanh, một số xã ở huyện Tĩnh Gia như Hải Châu, Hải Bình... việc quy hoạch, di dời cũng vấp phải tình trạng tương tự.

Vẫn biết việc phát triển chế biến thủy, hải sản là một trong những lợi thế của ngư dân vùng biển, tuy nhiên để đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển của doanh nghiệp và lợi ích chung của cộng đồng thiết nghĩ các cấp, các ngành ở Thanh Hóa cần nhanh chóng vào cuộc, triển khai thực hiện để giải quyết nhanh chóng tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay. Có như vậy, việc phát triển mới thật sự bền vững.

TƯỜNG LÂM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh