CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:53

Huyện Tịnh Biên (An Giang): Nông dân xóa nghèo từ cây thuốc lá

 

Cũng như các địa phương khác, huyện Tịnh Biên ngày càng được tỉnh An Giang quan tâm đầu tư hỗ trợ vốn sản xuất, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ các chủ trương chính sách, dự án của tỉnh, của huyện và các ngành chức năng, nhiều mô hình trồng trọt mới ra đời, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà sản xuất, trong đó có Công ty cổ phần Hòa Việt, trụ sở chính ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Những năm qua, Cty Hòa Việt đã chọn vùng đất Tịnh Biên để đầu tư hỗ trợ vốn, bao tiêu sản phẩm cho nông dân yên tâm trồng cây thuốc lá, đem lại hiệu quả kinh cao. Nhờ đó vừa đảm bảo nguyên liệu sản xuất thuốc lá chất lượng cao cho Cty, vừa giúp người dân Tịnh Biên tăng nguồn thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

  Là địa phương có truyền thống trồng cây thuốc lá từ lâu đời, từ khi được Công ty Hòa Việt (Đồng Nai) và Công ty thuốc lá An Giang hỗ trợ vốn, bao tiêu sản phẩm nên diện tích trồng cây thuốc lá ở Tịnh Biên ngày càng được mở rộng.

Gia đình ông Chau Ni, ở ấp Pô thi, xã An Cư là một trong những hộ nhờ trồng cây thuốc lá mà đổi đời có của ăn của để. Ông Chau Ni cho biết, trước đây khi chưa áp dụng mô hình trồng cây thuốc lá, thì 5 công đất (5.000 m2) của ông mỗi năm chỉ có thu nhập khoảng 10 tr đ. Với khoản thu nhập quá ít ỏi so với nhu cầu chi tiêu của gia đình, nên thường thiếu trước, hụt sau. Được sự chỉ dẫn của các cán bộ kỹ thuật, ông quyết tâm cải tạo 5 công đất trồng thêm cây thuốc lá vào mùa khô. Nhờ trồng cây thuốc lá mà gia đình ông đã thực sự thoát nghèo bền vững. Cũng như gia đình ông Chau Soc Ni, nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Chơn Cô, Pô thi xã An Cư có cuộc sống ngày càng khá dần lên nhờ biết áp dụng mô hình trồng cây thuốc lá xen canh với trồng lúa trên ruộng.

Nhờ được hỗ trợ vốn, nhiều hộ nông dân đầu tư xây dựng lò sấy thuốc lá để đảm bảo sản phẩm chất lượng cao sau thu hoạch

Vùng đất xã miền núi An Cư của huyện Tịnh Biên rất phù hợp với cây thuốc lá, hiện nay với diện tích hàng trăm ha, được xem là địa phương trồng nhiều cây thuốc lá nhất. Cây thuốc lá, với đặc điểm là cây trồng ngắn ngày, thời gian từ khi trồng tới khi thu hoạch chỉ kéo dài 3- 4 tháng, thường trồng luân canh nên không ảnh hưởng gì đến cây trồng khác và lại đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hơn nũa sản phẩm sau thu hoạch lại được bao tiêu, thu mua tại chỗ với giá ổn định, chính vì thế đối người nông dân vùng sâu, vùng xa như Tịnh Biên cây thuốc lá giờ đây không chỉ được coi là cây xóa đói, giảm nghèo thiết thực nhất, mà còn là cây có lợi thế làm giàu, nếu biết đầu tư chuyên canh.Từ khi Công ty Thuốc lá An Giang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, sẵn sàng đầu tư các khoản chi phí ban đầu cho nông dân và bao tiêu sản phẩm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho họ đầu tư mở rộng phát triển sản xuất. Nhở đó, diện tích trồng cây thuốc lá ở Tịnh Biên ngày càng được mở rộng, sản phẩm sau thu hoạch đạt chất lượng cao. Trồng cây thuốc lá vào mùa khô cũng là để tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho bà con lúc nông nhàn. Ông Chau An ở ấp Chơn Cô, xã An Cư có 5 công đất trồng cây thuốc lá, sau khi thu hoạch liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng, với năng suất đạt khoảng 5 tấn lá khô, bán cho Cty Hòa Việt với giá trung bình hơn 4 tr đ/tấn, trừ mọi chi phí gia đình ông cũng còn lời khoảng 20 tr đ/vụ. Nhiều lao động nông thôn vào vụ thu hoạch lá thuốc, chỉ làm thuê cũng có thể có thu nhập từ 100.000đ – 120.000 đ/ngày/người và mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn trong vùng.

 Mô hình trồng cây thuốc lá thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, nhờ đó mà nhiều hộ nông dân Khmer ở Tịnh Biên không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn đang vươn lên làm giàu

Có thể nói, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng, các cấp chính quyền, người nông dân huyện Tịnh Biên nói chung và xã miền núi An Cư nói riêng đã biết lựa chọn cho mình những mô hình sản xuất phù hợp với địa phương cũng như từng hộ nông dân.Trong đó, mô hình trồng cây thuốc lá luân canh đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế với lợi nhuận cao hơn, so với các mô hình trồng trọt khác. Từ mô hình thiết thực này, những năm qua đã góp phần đáng kể vào mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho việc xây dựng phum sóc ngày càng đổi mới, giàu đẹp văn minh theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer./.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh