THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:22

Huyện Tịnh Biên (An Giang):Nông dân nuôi nai xóa nghèo, làm giàu

 

Theo một số nông dân ở địa phương cho biết, đây là dự án được Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang khởi xướng triển khai thực hiện, nhằm hỗ trợ cho những hộ nông dân nhận khoán, trồng và chăm sóc rừng ở vùng Núi Cấm. Theo đó, mỗi hộ nông dân nhận khoán, trồng và chăm sóc rừng đều được Chi cục Kiểm Lâm tỉnh An Giang hỗ trợ bằng cách giao cho một cặp nai giống ban đầu. Sau khi cặp nai ban đầu sinh sản, thì cặp nai giống ấy lại được chuyển giao cho một nông hộ khác, cứ thế nhân rộng ra. Nhờ cách làm này mà nhiều hộ khó khăn về vốn đầu tư đều có thể tham gia dự án, thực hiện mô hình nuôi nai. Gia đình ông Nguyễn Duy Mẫn, ở ấp An Hòa, xã An Hảo là một trong những hộ đầu tiên được nhận một cặp nai giống, trị giá khoảng 18 triệu đồng(giá thời điểm năm 2000). Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nên chỉ hai năm nuôi, gia đình ông không những hoàn trả được cặp nai giống ban đầu, mà còn thu lời nhờ bán được nai con giống và tiếp tục nhân đàn nai lên. Đến nay gia đình ông Mẫn trở thành một trong những hộ có đàn nai đông nhất, với 5 con nai cái sinh sản và 8 con nai được để khai thác lộc nhung, ước tính trị giá đàn nai khoảng 1 tỷ đồng

.

 Mô hình nuôi nai sinh sản và lấy lộc nhung đã và đang được nhân rộng ở nhiều địa phương của An Giang, trong đó phát triển mạnh nhất là huyện Tịnh Biên.

Được nhận cặp nai giống từ gia đình ông Nguyễn Duy Mẫn chuyển giao hơn 10 năm về trước, đến nay gia ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp Tân Long, xã Tân Lợi cũng đã nhân được đàn nai để nuôi duy trì, với khoảng 10 cặp nai cả đực và cái. Được biết hàng năm nguồn thu nhập từ bán nai tơ giống và lộc nhung của gia đình ông Sơn đạt khoảng trên 200 triệu đồng. Trải qua nhiều năm thực hiện hiệu quả mô hình nuôi nai, một số nông dân cho biết, con nai mặc dù là loài động vệt hoang dã, nhưng đã được thuần hóa nên thích nghi với điều kiện nuôi nhốt trong chuồng trại rất tốt. Nuôi nai cũng dễ như nuôi trâu, bò thức ăn cho nai cũng chủ yếu là cỏ dại, cỏ voi trồng dưới tán rừng, hoặc một số phụ phẩm nông nghiệp khác.Tuy nhiên về khâu chuồng trại thì con nai rất cần nơi khô ráo, thoáng mát và diện tích phải đạt khoảng 10 m2/1 con. Đồng thời chú ý không nên nhốt những con nai có cận huyết thống chung trong một chuồng, để tránh sự phối giống cận huyết làm thái hóa đàn nai. Sức đề kháng của nai tuy tốt, nhưng cũng phải chích ngừa các bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng mỗi năm hai lần. Nai cái nuôi sau khoảng 25 tháng tuổi trưởng thành thì bắt đầu sinh sản lứa đầu tiên, mỗi năm chỉ đẻ một con, nai con nuôi khoảng 6 tháng tuổi bán cho người có nhu cầu mua nai giống giá hiện nay khoảng từ 45 – 50 triệu đồng/cặp tùy thời điểm. Nai đực nuôi khoảng 18 tháng có thể đạt trọng lượng 80kg và bắt đầu cho lộc nhung, mỗi năm một lần. Một con nai đực nuôi khoảng 5 năm, thì mỗi năm có thể cho thu hoạch khoảng gần 3kg lộc nhung/năm. Theo thời giá, 1kg lộc nhung trên thị trường có giá khoảng từ 16 – 18 triệu đồng/kg.

Nai đực nuôi trong vòng 18 tháng có thể cho thu hoạch nhung mỗi năm một lần, đem lại lợi nhuận cao, nhờ đó mà người nuôi không chỉ thoát nghèo mà con làm giàu.

Qua đó có thể thấy, đây là một nguồn thu rất đáng kể của người nông dân nuôi nai ở huyện miền núi biên giới Tịnh Biên hiện nay. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn, mô hình nuôi nai rất thích hợp với điều kiện của người nông dân vùng rừng núi, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần tích cực vào việc động viên xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở vùng Núi Cấm. Hiện nay, sau hơn 10 năm thực hiện dự án của Chi cục Kiểm lâm An Giang khởi xướng, địa phương đã có hàng chục hộ tham gia mô hình, với tổng số đàn nai khoảng hơn 50 con. Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm An Giang khẳn định mô hình nuôi nai đang phát huy hiệu quả, góp phần tạo cơ hội cho nhiều nông dân trong vùng có cuộc sống ngày càng khá giả hơn, để từ đó họ yên tâm bám rừng, trồng rừng, bảo vệ tài nguyên rừng. Chính vì thế các ngành chức năng cần tiếp tục tập huấn, hỗ trợ nai giống cho bà con nông dân để nhân rộng mô hình này../.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh