THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:49

Huyện Thanh Bình (Đồng Tháp): Phát huy thế mạnh nông nghiệp để xóa nghèo, làm giàu

 

Một trong những thế mạnh về nông nghiệp đã và đang được nhiều hộ nông dân ở Thanh Bình phát huy đẩy mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao là nuôi các loại cá nước ngọt. Tại xã An Phong, hiện có khoảng hàng chục hộ nuôi cá nàng hai trong mùng lưới, trung bình mỗi đợt nuôi khoảng 5 tháng, nông dân xuất bán hàng chục tấn cá thương phẩm, thu nhập đạt từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/vụ. Ông Nguyễn Thành Tuấn, ở ấp 3, xã An Phong cho biết, cá nàng hai còn có tên gọi khác là cá thác lác cườm là loại cá rất dễ nuôi, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, phù hợp với điều kiện nuôi của nhiều nông dân trong vùng. Người nuôi chỉ cần có nguồn nước sạch, cho ăn đầy đủ, chăm sóc phòng ngừa bệnh cho cá đúng với quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cá sẽ tăng trưởng nhanh, đều, cho lợi nhuận cao.

 Nuôi cá nàng hai (thác lác cườm) đã và đang là một trong những mô hình được nhiều nông dân ở nhiều địa phương huyện Thanh Bình thực hiện đem lại lợi nhuận cao, xóa nghèo và làm giàu.. 

Với thế mạnh về cây lúa và nuôi cá nước ngọt, hiện nay mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao+ nuôi cá ở Thanh Bình đang phát triển mạnh. Thông qua mô hình này, nhiều nông dân làm ăn hiệu quả, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Huyền, ở ấp Tân Hòa B, xã Tân Phú, với diện tích 1,5 ha thực hiện vòng đê bao khép kín, lên liếp 4 m, đào mương rộng 3 m, sâu 1,2 m, có hệ thống thoát nước, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa đông xuân, hè thu và 1 vụ cá (mè vinh, rô phi, sặc rằn, hường), thu nhập 50 triệu đồng/năm. Nhờ đó gia đình ông đã thoát nghèo và xây dựng được ngôi nhà khang trang, các con được ăn học thành đạt.

Trồng chuyên canh các loại rau màu là một trong những thế mạnh ở các vùng cù lao, trong đó nổi bật là cù lao Tây, nhờ mô hình hiệu quả này mà đời sống của nhiều hộ nông dân được cải thiện nâng cao.

Đặc biệt, thực hiện dự án mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015, tại xã Tân Bình, có 53 hộ nghèo tham gia, mỗi hộ được vay thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 12 triệu đồng, với tổng vốn đầu tư 740 triệu đồng. Qua triển khai, đến nay các hộ cơ bản đều thoát nghèo, với những mô hình như nuôi bò, trồng ớt, trồng bắp…Ngoài ra trong qúa trình triển khai thực hiện dự án, đã giải quyết cho hàng trăm lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, góp phần tăng thu nhập cải thiện đáng kể cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Hiện nay huyện Thanh Bình đang tập trung nguồn vốn cho vay, để tiếp tục nhân rộng mô hình. Đây là một trong những dự án đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp, được thực hiện thí điểm cho xã điểm nông thôn mới, đang được quan tâm./.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh