THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:56

Huyện Châu Thành (Đồng Tháp):Hiện đại hóa chăn nuôi, trồng trọt để giảm nghèo bền vững

 

Mô hình chăn nuôi heo theo hướng hiện đại của ông Ngô Phi Dũng, ở xã Phú Long là một ví vụ điển hình. Ban đầu, từ nghề làm bột (bột gạo, bột nếp) truyền thống, ông Dũng tận dụng cặn bột nuôi 60 con heo nái và 400 con heo thịt, theo hướng trang trại, có ứng dụng công nghệ Ozone xử lý nước thải để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Với mô hình sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo, gia đình ông thu lợi nhuận trên 1,1 tỷ đồng/năm và giúp đỡ hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho 43 hộ, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn trong vùng.

Làng nghề làm bột gạo, bột nếp ở Tân Phú Trung, với nhiều thương hiệu nổi tiếng, của nhiều cơ sở sản xuất đã có từ lâu đời

 Tương tự gia đình ông Dũng, gia đình ông Mai Văn Sáu, ở xã Tân Phú Trung làm ăn khấm khá cũng nhờ nghề làm bột truyền thống kết hợp nuôi heo. Làng nghề làm bột ở Tân Phú Trung đã có từ thế kỷ trước, với nhiều thương hiệu của nhiều cơ sở sản xuất nổi tiếng, được người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng, tiêu thụ mạnh trên thị trường. Cũng như nhiều người dân theo nghề làm bột ở đây, mỗi ngày gia đình ông Sáu sử dụng khoảng 150 kg  gạo, hoặc nếp nguyên liệu sản xuất cho ra khoảng 100 kg bột thành phẩm, sau khi trừ mọi chi phí có lời khoảng 150.000 đ/ngày. Theo ông Sáu nghề làm bột chỉ là lấy công làm lời, đủ trang trải cuộc sống, muốn có hiệu quả kinh tế cao hơn phải kết hợp nuôi heo. Mối lợi của nghề làm bột chính là tận dụng cặn bột để nuôi heo, rất mau lớn, chất lượng thịt ngon. Gia đình ông Sáu luôn duy trì đàn heo thịt khoảng 100 con, hàng năm cho lợi nhuận thật đáng kể.

 Nhờ biết kết hợp sản xuất bột với chăn nuôi heo theo hướng hiện đại tận dụng bột phế phẩm, nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà ngày càng giàu lên   

 Được biết hiện nay ở khu vực xã Tân Phú Trung có hàng trăm hộ theo nghề làm bột kết hợp nuôi heo. Mô hình này đã giúp cho người dân làng nghề không chỉ thoát nghèo mà có nhiều hộ còn trở nên khá giả. Để phát huy và nhân rộng tính hiệu quả của mô hình, chính quyền huyện Châu Thành đã có nhiều sự hỗ trợ thiết thực cho làng nghề như cho vay vốn ưu đã mở rộng sản xuất, chăn nuôi; đổi mới trang thiết bị; tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; sử lý nguồn nước trước và sau quy trình sản xuất; ưu đãi về thuế…Nhờ đó, làng nghề làm bột + nuôi heo ở Tân Phú Trung ngày càng phát triển, chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng dần.

 Với mô hình trồng giống nhãn mới Idor đặc sản giá trị kinh tế cao theo tiêu chuẩn GAP, nhiều nhà vườn ở huyện Châu Thành đang vươn lên làm giàu

Là vùng đất hội tụ hàng trăm loại cây ăn trái như: Chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, mít, sapôchê (hồng xiêm), măng cụt và đặc biệt là nhãn, huyện Châu Thành đang nhân rộng mô hình làm vườn theo quy trình GAP hiệu quả. Hiện nay, diện tích trồng nhãn tiêu da bò và đặc biệt là giống nhãn Idor của Châu Thành lên tới hàng ngàn ha, có thể sánh ngang với diện tích cây nhãn lồng Hưng Yên ngoài Bắc.Với những loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao như đã kể trên, các hội viên Hội làm vườn (HLV) của huyện có nhiều cơ hội thuận lợi, để khai thác tiềm năng phát triển kin tế vườn. Chính vì thế, hiện có rất nhiều hội viên HLV không chỉ thoát nghèo mà đã trở thành triệu phú từ cây ăn trái theo quy trình GAP. Tất cả các hội viên HLV đều năng động cập nhật và ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng những vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP, phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa.

Mô hình nuôi cá trong lồng bè, đặc biệt là nuôi cá bống tượng đang là một trong những mô hình được nhân rộng để xóa nghèo, làm giàu ở địa phương

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong những năm gần đây ở xã Phú Long đã có nhiều hộ nông dân khá lên nhờ mô hình nuôi cá bống tượng trong lồng bè. Trong số đó phải kể đến gia đình ông Lương Ngọc Hải, người đi tiên phong trong mô hình nuôi cá bống tượng trong lồng bè ở Châu Thành. Nhận thấy nếu chỉ độc canh cây lúa thì đời đời sống gia đình rất khó thoát khỏi những khó khăn, nên ông Hải quyết định tận dụng con rạch trước nhà có nguồn nước tốt để nuôi cá bống tượng. Ban đầu ông đóng 2 lồng, thả nuôi 300 con cá bống tượng giống, sau khoảng 10 – 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 0,5 kg/con, bán với giá 300.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, ông thu lời gần 40 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của ông để tránh hao hụt cá con trong giai đoạn đầu, người nuôi nên thả cá trong bể nylon nuôi cho cá khỏe rồi mới chuyển sang lồng bè. Thức ăn cho cá chủ yếu là các loại cá tạp xay nhuyễn trộn cám, chi phí thấp, nên cho hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình nuôi cá bống tượng trong lồng bè thành công, ông Hải không những góp phần đa dạng hóa vật nuôi, giảm nghèo mà còn mở ra hướng phát triển loài cá đặc sản có giá trị kinh tế này ở địa phương../.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh