Không cấp sổ đỏ cho dân vì ăn chặn không thành?
- Tây Y
- 14:31 - 10/05/2015
Theo phản ánh của ông Hoàng Văn Cần (con trai ông Hoàng Văn Thi), gia đình ông có 3 thửa đất, trong đó hai thửa số 04 có diện tích 878m2 sử dụng từ trước năm 1978, còn thửa số 12 có diện tích 1964m2 sử dụng ổn định từ năm 1945, không có tranh chấp.
Năm 2008, đường điện 110 – 220kv Sóc Sơn – Thái Nguyên đi qua nên điện lực đã hỗ trợ cho gia đình ông, cũng như một số hộ khác trong xã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của hành lang lưới điện. Với 527m2 diện tích đất hai thửa số 04 và 12 nằm trong phạm vi ảnh hưởng, gia đình ông Cần được hỗ trợ 90 triệu đồng mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì.
Điều kỳ lạ thay, đợi mãi nhưng số tiền được hỗ trợ không đến tay mình. Sau đó có hai cán bộ thôn đến gia đình ông để “vận động” và hướng dẫn ông Hoàng Văn Thi “viết giấy tự nguyện đóng góp xây dựng địa phương với số tiền là 27 triệu đồng” theo kiểu ép buộc. Trước sự việc kỳ lạ này, gia đình ông Cần không chấp nhận.
Cũng theo ông Cần, do không đồng ý nên ngay sau đó, UBND xã Hồng Kỳ đã họp để “xét lại” diện tích đất mà gia đình ông Cần được hưởng hỗ trợ, và kết luận 270m2 nằm trong thửa đất số 04 của gia đình ông là “đất công” và không được nhận tiền hỗ trợ, và cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy tổng số diện tích đất được hỗ trợ của gia đình ông Cần chỉ còn lại 257m2. Việc làm mờ ám này của chính quyền xã khiến gia đình ông Cần vô cùng bức xúc và đâm đơn kiện UBND xã Hồng Kỳ ra tòa.
Ông Hoàng Văn cần bức xúc vì đất của gia đình không được hõ trợ tiền cũng như không được cấp sổ đỏ.
Theo ông Cần, gia ddingf làm đơn đề nghị tòa xem xét, buộc UBND xã Hồng Kỳ xác nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất nêu trên; bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc không xác nhận hồ sơ và công khai xin lỗi đối với ông Thi. Tuy nhiên, trong Bản án Sơ thẩm Số 07/2014 ngày 26/9/214 của TAND huyện Sóc Sơn lại quyết định “không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, cũng như yêu cầu bồi thường của ông Hoàng Văn Cần đối với UBND xã Hồng Kỳ.
Trao đổi với PV báo LĐ&XH và Báo Dan sinh,vn, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, yêu cầu của ông Cần là hoàn toàn có căn cứ, bởi lẽ Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng thời điểm bố ông Cần là ông Thi sử dụng đất đã có đường điện 110Kv đi qua từ năm 1962, và cho rằng thửa đất số 04 nằm trong hành lang bảo đường dây cao áp nên không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không có căn cứ.
Theo luật sư Tú, trong hệ thống pháp luật Việt Nam vào thời điểm ông Thi nộp hồ sơ không có bất cứ quy định nào về việc đất nằm trong hành lang bảo vệ đường dây cao áp là không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phía Tòa sơ thẩm cũng như UBND xã Hồng Kỳ không dẫn chiếu được điều luật điều chỉnh. Trong khi đó theo Điều 92 Nghị định 181/2004/NĐ-CP quy định “Đất trong hành lang an toàn công trình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… trừ trường hợp phải di dời hoặc thu hồi mà đã có quyết định di dời hoặc quyết định thu hồi”. Như vậy theo quy định trên, đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Do đó, quan điểm cho rằng thửa đất của ông Thi nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng (đường dây cao áp) nên không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không phù hợp với quy định.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Thi lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, và cho rằng ông Thi không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng, vì thời điểm ông Thi sử dụng đất thì diện tích đất này được coi là đất hoang. “Khi Nhà nước đo vẽ bản đồ năm 1987, thửa đất này vẫn là đất hoang”. Việc sử dụng khai thác đất hoang hóa chính là việc khai hoang. Do đó, việc sử dụng đất của ông Thi không phải là hành vi lấn, chiếm. Quá trình sử dụng đất ông Thi chưa từng bị lập biên bản hay bị xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đất đai, cụ thể là hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình công cộng. Mặt khác, bên cạnh thửa đất số 04, thửa số 12 của gia đình ông cũng có đường dây điện đi qua và vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Thi lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, và khẳng định thửa đất số 04 không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận là không phù hợp.
Về nguồn gốc đất vào thời điểm lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông Thi thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai,... Từ những lý do nêu trên, Luật sư Trương Anh Tú khẳng định, thời điểm sử dụng đất của ông Thi là trước ngày 15/10/1993, và không có bất kỳ tranh chấp nào. Do đó, mọi văn bản hay bất kỳ lý do cho rằng thửa đất này hình thành sau ngày 15/10/1993 không phù hợp với thực tế khách quan sử đụng đất của gia đình ông Thi, cũng như quy định pháp luật nêu trên... Do đó UBND xã Hồng Kỳ phải xác nhận vào hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Thi.
Từ những lý do trên, ông Cần cũng yêu cầu UBND xã Hồng Kỳ phải trả cho gia đình ông tiền hỗ trợ được hưởng trước đó, và bồi thường 100 triệu đồng bao gồm những thiệt hại do hơn 6 năm không được nhân số tiền trên, và những thiệt hại trong quá trình khởi kiện, đồng thời công khai xin lỗi đối với gia đình ông Cần.
Trước đó, trong số báo 36 ra ngày 24/3/2015, Báo LĐ&XH đã có bài phản ánh hàng loạt những sai phạm của cán bộ xã Hồng Kỳ trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng tại Sân golf Sóc Sơn. Cán bộ xã bao che cho trưởng thôn biển thủ tiền bồi thường dự án, và hàng loạt những sai phạm khác.