Chưa tăng lương cơ sở: Để có thêm nguồn lực tăng chi an sinh xã hội
- Tây Y
- 02:02 - 23/05/2020
Lộ trình cải cách tiền lương sẽ chậm lại
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 22/5 về đề xuất của Chính phủ xem xét, cân nhắc chưa tăng lương cơ sở từ 1/7 tới, Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực khiến thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội rất khó khăn. Thu ngân sách cũng gặp khó.
"Vì vậy, Bộ Nội vụ đã có phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất đề nghị với Chính phủ trước mắt trong năm 2020 chưa tăng lương cơ sở", ông Tân thông tin.
Theo ông Tân, chưa tăng lương cơ sở chắc chắn là có ảnh hưởng nhất định đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhưng đội ngũ này còn được hưởng lương từ ngân sách.
"Tuy nhiên, việc chưa tăng lương cơ sở làm giảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức không đáng kể so với những người gặp khó khăn do tình hình đại dịch Covid-19", Bộ trưởng Tân nhấn mạnh và cho biết thêm, chúng ta dành phần ngân sách tăng lương này để hỗ trợ, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội.
"Cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng đã chung tay hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch", ông Tân nêu.
Bộ trưởng Tân cũng cho biết, Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương để xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình tăng lương năm 2021 theo Đề án Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa 12.
"Lộ trình này có thể chậm lại và thời gian cụ thể sẽ do Ban Chỉ đạo quyết định".
Trước đó, theo nghị quyết của Quốc hội, năm 2020 sẽ tăng lương khoảng 7,32% (khoảng 110.000 đồng/tháng) và tính từ ngày 1/7/2020.
Tuy nhiên theo tinh thần của Thủ tướng, trong bối cảnh doanh nghiệp, người lao động khu vực ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh thì công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách cần chia sẻ với xã hội.
Thực ra, theo đánh giá, nếu không tăng lương vào tháng 7 thì thu nhập của công chức, viên chức, người hưởng lương hưu vẫn giữ nguyên ở mức hiện nay, vẫn bảo đảm cuộc sống chứ không bị giảm.
"Thắt lưng buộc bụng", chia sẻ với khu vực ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19
Bày tỏ quan điểm ủng hộ Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho hay, ngân sách hiện rất khó khăn. Theo ông Lợi, đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực.
Nếu tạm hoãn tăng lương vào lúc này tức là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhường bớt phần nào đó để chia sẻ với Nhà nước, với Chính phủ và những người lao động còn khó khăn khác. Đó cũng là thể hiện tinh thần yêu nước.
"Chúng ta chia sẻ với Nhà nước để dành ngân sách giải quyết những khó khăn cho những người bị tác động mạnh, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid -19", ông Lợi nói.
Theo đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, trong lúc này, quan trọng là thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và chăm lo an sinh xã hội.
"Tăng lương mà để giá tiêu dùng leo thang thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cả", ông Lợi lưu ý và cũng đưa ra dự đoán, do ngân sách khó khăn nên lộ trình cải cách tiền lương sẽ phải kéo dài.
Cũng ủng hộ đề xuất của Chính phủ, ông Phạm Văn Hoà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhận định, dịch Covid -19 khiến thu ngân sách sụt giảm rất lớn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, chi thường xuyên, chi tăng lương cơ sở…
"Tăng lương cơ sở với một người không bao nhiêu, nhưng hàng triệu người thì là con số lớn, trong khi đó ngân sách khó khăn như thế. Tôi đồng tình với Chính phủ trong điều kiện hiện nay thì chưa tăng lương cơ sở. Chúng ta nên thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm một phần nào đó để chung tay với Chính phủ", ông Hoà trao đổi.
Hiện tại, Chính phủ báo cáo Quốc hội để điều chỉnh dự toán ngân sách năm nay và năm tới cho phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế. Bối cảnh ngân sách hụt thu, nhưng Chính phủ vẫn duy trì mức lương đang hưởng của công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách cũng là một sự cố gắng.
Khi cả xã hội khó khăn, nhiều người lao động mất việc, không còn việc làm, nhưng công chức, viên chức là những người vẫn duy trì được công việc, đỡ khó khăn hơn khu vực khác.
Rõ ràng tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách năm nay giảm thì ngân sách chi cho tiền lương cũng phải cân đối lại, không thể tăng chi như dự kiến. Theo đó, việc giảm chi tiền lương cho khu vực công cũng sẽ giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để tăng chi an sinh xã hội cho các khu vực khác.
Sáng 20/5 vừa qua, tại phiên khai mạc, báo cáo Quốc hội về việc phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2020, theo đánh giá của Liên hợp quốc, đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng KT-XH nghiêm trọng chưa từng có.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7/2020 để "cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách".
Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).