Nghị quyết 30a làm thay đổi diện mạo huyện Bá Thước
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 20:55 - 17/05/2015
Sinh hoạt văn hóa làng Nho huyện Bá Thước
Nhiều chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ
Ngay sau khi Ngị quyết (NQ) 30a của Chính phủ được ban hành, Bá Thước đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án, đồng thời ban hành kế hoạch triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bề vững. Sau 6 năm (2009 - 2014), từ việc đánh giá, phân tích các điều kiện thực tế, Bá Thước đã kết hợp các nguồn lực đầu tư như: Chương trình 134, 135, NQ 30a với nội lực của mình, tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên địa bàn, nhờ vậy đời sống của người dân không ngừng được nâng lên
Trong 6 năm đã có 571.127 lượt người nghèo, dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Với chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được khám chữa bệnh kịp thời, thường xuyên. Sức khoẻ của người nghèo nói riêng và của nhân dân trên địa bàn huyện nói riêng đã được chăm sóc tốt hơn, không còn dịch bệnh xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân; hỗ trợ, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, học sinh sinh viên với tổng số tiền từ ngân sách Nhà nước là 298.325 triệu đồng. Hỗ trợ cho 40.413 lượt học sinh, sinh viên nghèo, với số tiền 40.219.968.700 đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo như miễn giảm học phí cho con hộ nghèo, hộ chính sách, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng, tỷ lệ học sinh bỏ đã học giảm hẳn.
NQ 30a giúp nhiều hộ gia đình có vốn phát triển kinh tế thông qua nuôi cá lồng ở huyện Bá Thước cho hiệu quả kinh tế cao
Từ năm 2009-2015, ngân sách nhà nước đã bố trí 39.694 triệu để hỗ trợ xây dựng 32 công trình nước sinh hoạt tập trung và 165 công trình nước sinh hoạt phân tán cho trên 5.500 hộ ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn có nước sử dụng thường xuyên. Đối với chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đã có 8.475 người được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn, trong đó lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm 55% (từ 2009 – nay). Có 425 lao động đã tham gia XKLĐ; thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có 4000 người thuộc hộ nghèo, sau học nghề có việc làm, thu nhập đã thoát nghèo.
Sau 6 năm triển khai NQ 30a đã cấp trên 3.900 triệu đồng để hỗ trợ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã trên địa bàn huyện. Có 18 mô hình được phê duyệt và đang triển khai cho 1.245 hộ tham gia. Nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế kinh tế cao. Huyện đã triển khai các hoạt động trợ giúp, tư vấn pháp lý 780 buổi cho hơn 38.812 lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Thông qua đó trang bị cho nhân dân về các kiến thức về các lĩnh vực như: luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật đất đai, và các chính sách xã hội đang thực hiện.
Trồng và bảo vệ rừng giúp người dân huyện Bá Thước xóa đói, giảm nghèo
Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được huyện triển khai nhanh, đúng đối tượng. Với nguồn hỗ trợ 27.040 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, sự hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế, các tổ chức các nhân đã có 2.955 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà. Do chính sách hợp lý, huy động được các nguồn hỗ trợ nên quy mô, chất lượng nhà ở được bảo đảm, giúp hộ nghèo có cuộc sống ổn định, vượt khó vươn lên. Đối với chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo (từ 2012 - 2014), hỗ trợ tiền điện cho 23.180 lượt hộ nghèo trên toàn huyện với số tiền là 8.857 triệu đồng. Trong 6 năm đã có 27.165 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 15 triệu động/lượt, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo phát triển sản xuất; vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên cho con em đi học, với dư nợ 483.834 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bá Thước cũng đã thực hiện tốt chính sách đặc thù là hỗ trợ hơn 54.988 triệu đồng để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi tại các xã trên địa bàn như: hỗ trợ trâu bò, giống cho 5544hộ với 3713 con; hỗ trợ cho 22.747 lượt hộ về giống lúa, ngô, phân bón. Tổ chức tập huấn cho hơn 885 lượt cán bộ thôn, bản, xã, đào tạo nghề cho hơn 8.475 lao động và đã giải quyết làm tại chỗ cho trên 6.000 lao động. Ngoài ra huyện còn liên hệ với các công ty, các tập đoàn kinh tế ở các địa bàn ngoài huyện để giải quyết việc làm cho lao động. Thu hút 13 cán bộ trẻ được tuyển dụng vào chức danh phó chủ tịch UBND xã.
Vượt mục tiêu NQ 30a đề ra
Trong 6 năm thực hiện NQ 30a, Trung ương và các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp đã bố trí cho huyện Bá Thước theo NQ số 30a là 355.554,7 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 312.252,9 triệu đồng; vốn từ các doanh nghiệp là 43.301,8 triệu đồng. Có trên 30 công trình được đầu tư với tổng kinh phí là : 209.137,3 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cả huyện đã giảm từ 55,24% (năm 2009) xuống còn 18,26% (cuối năm 2014) bình quân giảm trên 6%/năm. Thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả huyện Bá Thước giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Nghị quyết 30a đề ra.
Một góc Pù Luông huyện Bá Thước
Trao đổi với phóng viên LĐ&XH, baodansinh.vn, ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bá Thước cho biết: “Là một huyện nghèo, trong những năm qua Bá Thước đã nhận được sự quan tâm từ Trung ương, tỉnh, các Tổng cty thông qua NQ 30a và đã tranh thủ có hiệu quả. Trong thời gian tới, phòng sẽ tích cực tham mưu cho lãnh đạo huyện thực hiện có hiệu quả hơn nữa NQ 30a. Tiếp tục tuyên truyền để chính quyền địa phương và người dân phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, tiếp tục tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực, từ đó tạo nhiều việc làm để người dân có việc làm thường xuyên, cho thu nhập ổn định nhằm thoát nghèo bền vững. Phòng sẽ tham mưu cho huyện, tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông liên thôn, liên xã, nước sinh hoạt, điện, hệ thống trạm y tế, trường học, nhà ở cho hộ nghèo; Phát triển sản xuất thông qua các chương trình giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây, con giống… nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân”.