CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:34

Huyện Châu Thành (An Giang):Thực hiện đồng bộ nhiều mô hình, dự án xóa nghèo bền vững

 

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07 của Đảng bộ tỉnh, trong vòng 10 năm nay Ban chỉ đạo đã đề ra mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp thực hiện thật cụ thể, nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Trước hết huyện Châu Thành tập trung đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới dạy nghề và đổi mới, đa dạng hóa hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, 100% xã, thị trấn thành lập trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện cho lao động địa phương có nơi sinh hoạt, tư vấn, tiếp cận với các thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước…

 

  Nghề điện dân dụng và điện công nghiệp đã và đang thu hút nhiều lao động nam thanh niên ở địa phương theo học  

 

Bên cạnh đó, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề hoạt động hiệu quả đã tạo thuận lợi cho công tác dạy nghề, nâng cao trình độ học vấn, kiến thức kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, giúp họ có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, các trung tâm dạy nghề đã đào tạo 7 nghề cơ bản như: May công nghiệp, sửa chữa xe gắn máy, sửa chữa máy nổ, điện dân dụng, điện công nghệp, điện tử…

 

Sửa chữa xe gắn máy cũng thu hút nhiều lao động nam thanh niên theo học, nhờ đó mà nhiều người đã tự tạo được việc làm ổ định tại gia

 

Trong những năm qua, phối hợp với các trung tâm dạy nghề của tỉnh, các hội đoàn thể, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã mở được hàng trăm lớp, với hàng ngàn học viên, đạt 119,5% kế hoạch, đảm bảo cả số lượng và chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định đạt trên 60%. Ngoài ra huyện còn phối hợp với trung tâm giới thiệu việc làm tư vấn được hàng ngàn lượt người lao động, qua đó giới thiệu được gần 10 ngàn người đi làm việc ở ngoài tỉnh và xuất khẩn lao động.

Trồng giống ấu Đài Loan chất lượng cao vào mùa nước nổi đã góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân để thoát nghèo bền vững

 

Đặc biệt, thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, nhiều chương trình, dự án, nguồn vốn đã giải ngân cho hàng ngàn lượt hộ vay với số tiền hàng chục tỷ đồng, đến nay có hàng ngàn hộ thoát nghèo, đạt 119% kế hoạch; cất xong hàng trăm căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương . Là huyện nằm tiếp giáp với TP. Long Xuyên, với tổng diện tích tự nhiên 34.729 ha (347,2 km2), trong đó diện tích dất sản xuất nông nghiệp 29.252 ha, Châu Thành  giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản.  Phát huy thế mạnh của địa phương, những năm gần đây huyện Châu Thành đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh trong mùa nước nổi, đem lại hiệu quả cao. Trong mùa lũ sớm năm nay, người dân huyện Châu Thành hiện đang chuẩn bị cho mùa cây trồng mới như trồng các loại cây thủy sinh: Rau nhút, ấu, sen, bông súng, lục bình, rau muống...

Nuôi cá lồng bè là một trong những mô hình có thế mạnh, được nhân rộng ở nhiều địa phương của huyện Châu Thành

 

Tại thị trấn An Châu và các xã Bình Thạnh, Bình Hòa, Vĩnh Hanh, Cần Đăng… người dân đang xuống giống hàng chục ha ấu, rau nhút, sen và nhiều loại khác như rau muống, bông súng, lục bình… Đây là những loại cây ngắn ngày, phát triển nhanh nhờ nguồn nước tràn về đồng, cho thu nhập khá cao, góp phần giảm nghèo đáng kể trong những năm qua.

Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng, bể lót bạt tận dụng nguồn thức ăn dồi dào vào mùa nước nổi đã góp phần xóa nghèo và làm giàu cho nhiều nông hộ

 

Theo lãnh đạo huyện cho biết, mùa nước nổi hàng năm, toàn huyện phấn đấu mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên hàng trăm ha, hàng chục lồng bè nuôi cá, hàng ngàn hộ đã làm bồn lót bạt cao su, nilon để thả lươn ngay cạnh nhà, tận dụng nguồn thức  ăn có sẵn trong mùa lũ, để tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.  Có thể nói, việc nuôi lươn trong bể lót bạt cao su, nilon đã trở thành một phong trào ngày càng phát triển mạnh ở nhiều xã trong huyện, bởi chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, giá lươn thịt ổn định từ 100.000 đ/kg – 140.000đ/kg, lợi nhuận đạt từ 30% - 40%…Ngoài ra, diện tích nuôi các loại cá khác như trê, lóc, nàng hai trong ao, hầm cũng sẽ được mở rộng lên hàng trăm ha…Nhờ triển khai lồng ghép đồng bộ nhiều chương trình, dự án, mô hình nên Châu Thành làm một trong những địa phương giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, tăng dần tỷ lệ hộ khá, hộ giàu trong vòng 10 năm trở lại đây.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh