THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:25

Huyện Càng Long (Trà Vinh): Dân xóa nghèo, làm giàu từ đan đát mỹ nghệ

 

Từng là bộ đội tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, xuất ngũ về địa phương năm 1984, ông Nguyễn Tấn Sen ban đầu mưu sinh bằng nghề chạy ghe chở hàng mướn cho một cơ sở làm nghề đan, lát mỹ nghệ ở TP. HCM đi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là những năm tháng cơ cực nhất của đời ông. Nhưng với ông, mỗi khi ngồi ôn cố tri tân, ông lại rất biết ơn những năm tháng làm thuê làm mướn cực nhọc ấy. Ông nói, nhờ những năm chở hàng thuê mà ông học được cái nghề đan đát này.

  Sau sự ra đời và phát triển của HTXQT, huyện Càng Long đã xuất hiện nhiều hợp tác xã se chỉ xơ dừa, đan đát thủ công mỹ nghệ, góp phần truyền nghề và giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động nông thôn

Nguồn nguyên liệu tại địa phương xã Đức Mỹ, huyện Càng Long rất sẵn, nguồn nhân lực lao động khi nông nhàn càng dồi dào đã thôi thúc ông quyết đem nghề mới học được về quê nhà để xóa nghèo cho chính mình và bà con chòm xóm.  Năm 1990, sau nhiều đêm trằn trọc suy tính, ông quyết chấm dứt cuộc đời của một khách thương hồ lênh đênh sông nước, trở về quê, vét hết số tiền tích cóp được để mở một cơ sở sản xuất. Hiện nay HTX Quyết Tiến của ông có hàng ngàn lao động nhận nguyên liệu về nhà sản xuất và một số làm ở 7 điểm sản xuất tại nhiều xã trong vùng, với thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng – 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Tấn Sen chính là một trong những người đã có công phổ biến nghề đan đát mỹ nghệ ở địa phương.

  Đan đát mỹ nghệ là nghề dễ học, dễ làm phù hợp nhiều lứa tuổi, nam, nữ nên thu hút đông đảo lao động nông nhàn ở nông thôn tham gia

Thu nhập của người lao động tuy chưa cao, nhưng có việc làm thường xuyên và ổn định, nên cũng góp phần cải thiện đáng kể đời sống kinh tế cho những hộ nông nghèo ở các xã: Nhị Long, Nhị Long Phúc, Đại Phước (Càng Long, Trà Vinh). Để tạo điều kiện cho đa số người lao động có thể tham gia sản xuất, ông Nguyễn Tấn Sen vừa tích cực truyền dạy nghề, vừa giải quyết việc làm tại chỗ. Cách giúp người lao động có cái “cần câu cá” của ông là dạy nghề xong, giao nguyên liệu cho họ đem về làm, rồi bao tiêu luôn sản phẩm. Đó là một quy trình cầm tay chỉ việc và bao từ A – Z.

  Nhờ được học nghề, được giao nguyên liệu để gia công, nhiều hộ phụ nữ đã tự tạo được việc làm tại nhà thường xuyên, thu nhập ổn định.

Đây là một mô hình đầu tiên của Dự án dạy nghề cho người nghèo vùng nông thôn, đã và đang được Sở LĐ –TB & XH tỉnh Trà Vinh nhân rộng trong tỉnh. Theo theo một số nông dân, mô hình này rất hiệu qủa, phù hợp với nhiều lứa tuổi, nam, nữ ở nông thôn, nên thu hút rất đông lao động tham gia. Học nghề đan, lát này cũng đơn giản dễ dàng, chỉ khoảng tháng theo học là làm được. Hơn nữa nguyên liệu cũng như đầu ra của mặt hàng này hiện nay rất ổn định.

  Làng nghề phát triển, nhiều nông dân chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lác (cói) cung cấp nguyên liệu với thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa và các cây hoa màu khác.

  Lác (cói) là cây trồng rất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, trên cùng một diện nếu trồng lác, thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa, nên hiện nay nông dân đang mở rộng diện tích trồng lác. HTX Quyết Tiến vì thế rất an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, doanh thu năm sau cao hơn năm trước (bình quân trên 2 tỷ/năm). Ông Nguyễn Tấn Sen phấn khởi cho biết, trong những năm tới HTX của ông có thể sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.  Ông Nguyễn Tấn Sen thực sự là một tấm gương về nghị lực làm giàu và giàu lòng nhân ái, đáng để nhiều người noi theo, làm theo... 

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh