CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:20

Huyện biên giới ở (Tây Ninh): Giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình hay

 Trước đây, huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn do chính sách triển khai xuống địa phương gặp nhiều trở ngại khi trình độ dân trí còn thấp, phần lớn hộ nghèo không biết cách làm ăn, tổ chức cuộc sống để có thể thoát nghèo. Trong quá khứ, không ít chương trình, mô hình giảm nghèo đã được áp dụng tại địa phương nhưng hầu hết đều không mang lại hiệu quả.

Trước tình hình trên, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh quyết định bắt đầu triển khai mô hình các chi bộ, đảng bộ cơ sở thực hiện "đỡ đầu" hộ nghèo. Cụ thể, ngoài thực hiện đồng bộ, đầy đủ các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, thì tất cả các chi bộ, đảng bộ cơ sở đều có trách nhiệm phối hợp với địa phương để sàng lọc đối tượng, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với hộ nghèo, qua đó tìm hiểu nhu cầu, xác định phương hướng để giúp đỡ các hộ nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức cuộc sống gia đình một cách hợp lý, từng bước thoát nghèo.

Huyện biên giới ở (Tây Ninh): Giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình hay - Ảnh 1.

Gia đình anh Lê Hữu Phước, người dân tộc Khmer tại xã Tân Phú, huyện Tân Châu, được hỗ trợ bò.

Trường hợp của gia đình anh Lê Hữu Phước, người dân tộc Khmer tại xã Tân Phú, huyện Tân Châu, là một ví dụ điển hình. Gia đình anh trước đây không có đất sản xuất, cả nhà cứ luôn phải loay hoay để chạy ăn từng bữa, nhưng vẫn "bữa đói bữa no". Từ khi được Chi bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Châu đứng ra bảo lãnh, cử chuyên viên kỹ thuật hướng dẫn cách chăn nuôi đồng thời hỗ trợ gia đình anh "mượn" một con bò đang độ tuổi sinh sản theo chính sách "quay vòng" thì mọi chuyện đã thay đổi một cách chóng vánh. Anh kể: Sau khi bò sinh ra bê con lần thứ nhất, anh Phước mang bê "trả" cho đơn vị đã hỗ trợ để chuyển cho hộ nghèo khác, còn con bò thì gia đình anh được giữ lại để tiếp tục sinh sản. Chỉ hơn 1 năm sau, gia đình anh đã có thêm con bê thứ 2. Anh Phước cho biết, nếu bán cả bò mẹ và bê con, gia đình anh sẽ có hơn 50 triệu đồng – số tài sản mà trước đây nằm mơ anh cũng không dám nghĩ mình có.

Bên cạnh đó, chi bộ còn vận động và hỗ trợ vợ anh đi học thêm nghề may công nghiệp, tặng cho gia đình anh vật dụng sinh hoạt. Nhờ đó đến giờ gia đình anh đã có cuộc sống khấm khá, nguồn thu nhập ổn định, con cái được học hành đầy đủ.

Một ví dụ khác là trường hợp gia đình anh Trần Văn Nhanh và chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ tại thị trấn Tân Châu. Trước đây anh chị chỉ có hai bàn tay trắng, sống trong căn nhà tạm bợ, mưu sinh bằng nghề phụ hồ với thu nhập hết sức bấp bênh "mồ hội ráo thì tiền cũng hết". Từ khi được Chi bộ Thư viện huyện Tân Châu nhận "đỡ đầu", gia đình anh Nhanh- chị Thảo đã được các đảng viên trong chi bộ góp vật liệu xây dựng làm căn nhà tường gạch, mái tôn che mưa, che nắng. Huyện ủy Tân Châu còn hỗ trợ thêm 20 con gà và một cặp heo để gia đình anh chị tổ chức chăn nuôi, lấy đó làm cơ sở để vươn lên thoát nghèo.

Chị Trương Thị Mến, Phó Bí thư Chi bộ Thư viện huyện Tân Châu cho biết, hiện nay vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo đã có nghề nghiệp ổn định, chính thức vượt qua "ngưỡng" hộ nghèo. "Mặc dù đã giúp cho hộ này thoát nghèo, nhưng Chi bộ vẫn tiếp tục có trách nhiệm theo dõi để dìu dắt hộ này không tái nghèo trở lại", chị Mến khẳng định.

Huyện biên giới ở (Tây Ninh): Giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình hay - Ảnh 2.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thảo trong căn nhà được xây với sự giúp đỡ của cấp ủy các cấp và Chi bộ Thư viện huyện Tân Châu.

Mỗi chi bộ có cách làm khác nhau, tùy điều kiện thực tế, hoàn cảnh hộ nghèo. Đơn cử như: Chi bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội giúp một hộ cận nghèo vay vốn để kinh doanh, tạo thu nhập ổn định cuộc sống; Ðảng ủy Công ty CP Cao su Tân Biên tạo ba việc làm cho 3 hộ nghèo; Chi bộ Văn phòng Huyện ủy hỗ trợ vật liệu xây dựng công trình vệ sinh cho 1 hộ nghèo; Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng giúp đỡ 2 hộ nghèo có việc làm bằng việc tỉa thưa rừng; Chi bộ Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng hỗ trợ tạo việc làm bảo vệ rừng cho 2 hộ nghèo…

Với cách làm này, các chi bộ, đảng bộ ở huyện Tân Châu đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân, bằng nguồn vốn đi cùng với cách làm ăn hay, áp dụng cải tiến kỹ thuật để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm... Việc này không những giúp người dân giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, mà còn thể hiện sự năng động, dám nghĩ dám làm của các tổ chức Đảng.

Từ những sự trợ giúp thiết thực nói trên, trong số 340 hộ nghèo được các chi bộ, đảng bộ giúp đỡ, đến nay đã có 247 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững hoặc thoát nghèo lên cận nghèo (đạt tỷ lệ 73%). Đó là một minh chứng cho thấy tính hiệu quả của mô hình đầy sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân ở huyện Tân Châu.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Bí thư Huyện ủy Tân Châu cho biết, các chi bộ tiếp tục giúp đỡ để các hộ nghèo thực sự thoát nghèo bền vững. Đồng thời mở rộng đến những doanh nghiệp, những gia đình khá giả sẽ đỡ đầu, giúp đỡ những hộ nghèo hơn trong địa bàn của mình bằng nhiều hình thức thiết thực để làm sao đạt được một cách tốt nhất chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện, phấn đấu tới 2020, cơ bản xóa nghèo trên địa bàn toàn huyện.

Huyện biên giới ở (Tây Ninh): Giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình hay - Ảnh 3.

Bộ mặt kinh tế - xã hội ở Tân Châu ngày càng được cải thiện khi chương trình giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả với nhiều mô hình hay.

Theo báo cáo sơ bộ của Huyện ủy Tân Châu, các chi bộ, đảng bộ được phân công phụ trách hỗ trợ công tác giảm nghèo có hoạt động tích cực và hiệu quả. Tuy tiềm lực kinh tế không cao song gần một năm qua, 56 chi, đảng bộ đã hỗ trợ 14 con bò, tặng 37 phần quà nhu yếu phẩm, hỗ trợ dụng cụ học tập và học phí cho con em 15 hộ nghèo, đề xuất giới thiệu việc làm cho lao động của 15 hộ nghèo… là hành động rất thiết thực đối với người dân, góp phần giảm nghèo bền vững và sẽ được duy trì lâu dài.

Hiện trên địa bàn huyện có 41 chi bộ, đảng bộ cơ sở giúp đỡ trực tiếp bằng hiện vật, nguồn lực cụ thể; còn lại 15 chi bộ đã quan tâm, động viên tinh thần, định hướng các hộ mạnh dạn đề xuất nhu cầu và phối hợp với Ðảng ủy các xã thực hiện chính sách giảm nghèo. Việc này không những giúp người dân giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, mà còn thể hiện sự năng động, dám nghĩ dám làm của các cấp ủy địa phương.

Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, mặt bằng sống của người dân vẫn chưa cao, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội chưa thật thuận lợi, nhưng cách làm sáng tạo của Huyện ủy Tân Châu về phân bổ đối tượng giảm nghèo để các chi bộ, đảng bộ cơ sở "đỡ đầu" đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp người dân giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều. Đó là một mô hình hay mà nhiều địa phương khác có thể học hỏi và áp dụng hiệu quả để phát huy vai trò của Đảng trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương mình.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh