Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: TP.HCM không thiếu nguồn nhân lực, cần biết nắm bắt thời cơ để phát huy lợi thế
- Tây Y
- 00:06 - 16/10/2020
Ngày 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh và phức tạp, thuận lợi và thách thức đan xen, cạnh tranh các nước lớn ngày càng gay gắt. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ đại khủng hoảng 1929 - 1933, tác động mạnh mẽ nền kinh tế nước ta, trong đó có TP.HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Cụ thể, kinh tế TP tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được nâng lên với những con số ấn tượng. Bình quân 2016 - 2019, tăng trưởng đạt 7,72%/năm, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp trên 22,2% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước. Đặc biệt, các yếu tố nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp quan trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng TP. Trong đó, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) liên tục tăng gấp 2,6 lần, GDP bình quân đầu người gấp 2,4 lần bình quân cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; sản xuất nông nghiệp dịch chuyển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, năng suất cao gấp 3 lần bình quân cả nước; cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Khu vực ngoài Nhà nước phát triển mạnh, đóng góp 83% kinh tế TP, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, TP.HCM đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 8.500 - 9.000 USD; tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động mỗi năm), tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%.
TP.HCM là địa phương đi đầu triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý giao thông đô thị. Rà soát quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị, hạ tầng giao thông; trong đó dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến đưa vào thử nghiệm cuối năm nay. Chương trình giảm ngập nước đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế được nâng cao; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ có nhiều đổi mới, TP là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước. Văn hóa, xã hội có tiến bộ, đời sống vật chất, văn hóa của Nhân dân được nâng cao.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế của TP. Trong đó, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, mức độ tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm dần; Động lực mới tăng trưởng của thành phố chưa rõ nét; Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, quy hoạch quản lý đô thị chưa theo kịp phát triển, hội nhập quốc tế, khoa học quốc tế chưa thực sự trở thành động lực phát triển, cùng với đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm còn hạn chế.
Tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP.HCM cần đi tiên phong trong giải quyết các bài toán phát triển đặt ra với đất nước và các địa phương, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, kéo theo đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, huy động hiệu quả hơn các nguồn lực. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy mô hình, phương thức kinh doanh mới, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, phát triển nhanh các ngành, các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, giá trị gia tăng và công nghiệp hiện đại như công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Song song đó, TP.HCM cần tiếp tục đi đầu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giữ vững vai trò là trung tâm phát triển dịch vụ của cả nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) Nhà nước, đồng thời phát triển mạnh kinh tế tư nhân, các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, hình thành các tập đoàn, các DN có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực. Chú trọng thu hút chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có công nghệ giá trị gia tăng, thân thiện môi trường.
Đồng thời, TP.HCM đi đầu trong tạo ra cơ chế chính sách đột phá, để huy động phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. "TP.HCM không thiếu tiền, không thiếu nguồn lực, chỉ thiếu cơ chế, chính sách phù hợp. Cùng với cả nước, TP.HCM cần sớm có lời giải trong bài toán tháo gỡ các điểm nghẽn, các nút thắt để các nguồn lực rất lớn từ đất đai, từ xã hội, từ trong dân, từ các loại hình kinh tế, từ bên ngoài, được giải phóng, bung ra, phát triển mạnh mẽ đúng hướng", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
"Tôi đề nghị các cơ quan của TP và giữa TP với các Bộ, ban ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, quy hoạch kế hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của TP, kiên quyết xử lý tình trạng chậm xử lý công việc, né tránh đùn đẩy trách nhiệm, quyền anh quyền tôi, trên nóng dưới lạnh, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm quy định, thiếu trách nhiệm trong phối hợp công tác, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.