Huyện Ba Vì (Hà Nội): Biệt thự mọc trên đất rừng
- Pháp luật
- 17:21 - 14/05/2016
Hàng chục căn biệt thự cao cấp được xây dựng sai phạm trên đất rừng ở xã Vân Hòa, đã được cấp sổ đỏ.
Phạt cho tồn tại
Cách trụ sở UBND xã Vân Hòa chỉ hơn 1km, 24 căn biệt thự hoành tráng trong quần thể khu biệt thự nghỉ dưỡng mang tên Bella resort đã được xây dựng. Đây là chuỗi biệt thự nghỉ dưỡng do Công ty Đầu tư Archi Land quản lý khai thác. Toàn bộ khu biệt thự này được xây dựng dọc theo khu đồi Bơn nhìn ra hồ Đập Đống, với hạ tầng đường sá thi công rất hoành tráng. Việc xây dựng những biệt thự không phép tại khu vực Đồi Đống thuộc xã Vân Hòa là những trường hợp xây dựng trên đất lâm nghiệp, chưa được chuyển đổi thành đất ở theo quy định của pháp luật. Đặc biệt trong số này nhiều trường hợp đã được UBND huyện cấp sổ đỏ. Điều đáng nói, khu nghỉ dưỡng này từ năm 2013, đã bị cơ quan chức năng kết luận xây dựng không phép, đồng thời chỉ rõ nhiều sai phạm của chính quyền địa phương. Sau vụ việc, nhiều lãnh đạo UBND xã Vân Hòa đã bị kỷ luật, UBND TP. Hà Nội đã quyết định đình chỉ thi công, nhưng đến thời điểm hiện tại, không hiểu sao resort trên vẫn hoạt động kinh doanh bình thường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Ước, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, cho biết: Trước đây doanh nghiệp Archi mua lại vườn đồi của một số hộ dân trong xã, sau đó thời điểm năm 2010, doanh nghiệp này đã “tự ý” xây dựng khu nghỉ dưỡng, biệt thự trên khu đất này, với 24 căn hộ thuộc sở hữu của 7 gia đình. Hiện các công trình này đã được thành phố đồng ý cho nộp tiền sử dụng đất. Cũng theo ông Ước, những căn biệt thự này đã được cấp sổ đỏ.
Về việc xử lý những cán bộ xã vi phạm, ông Ước cho biết, năm 2012, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra việc sử dụng đất tại khu vực đồi Đống, xã Vân Hòa. Kết quả kiểm tra cho thấy, đất sử dụng xây biệt thự tại Vân Hòa là đất lâm nghiệp và chưa được chuyển đổi thành đất ở theo quy định. Nhiều quyết định của huyện và xã đã vượt quá thẩm quyền hoặc không đúng thẩm quyền, bao gồm cả việc cấp sổ đỏ cho các lô đất nêu trên. Đối với cán bộ địa phương để xảy ra sai phạm cũng đã bị xử lý kỷ luật. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hồ Đập Đống, Cty Archi đã cho xây dựng một số công trình ngay trên lòng hồ để phục vụ khách du lịch, xâm phạm nghiêm trọng đến lòng hồ, và gây ra tác động xấu đến việc cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn, thế nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý.
Công trình được doanh nghiệp Archi xây dựng trên lòng hồ Đập Đống, nhưng không bị xử lý.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Lan, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Ba Vì cho biết: “Từ năm 2009 - 2010, UBND huyện Ba Vì cấp đất rừng cho 7 hộ dân tại đồi Đập Đống, sau đó các hộ này đã chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp Archi, doanh nghiệp này sau đó đã tự quy hoạch, phân lô xây dựng 24 căn biệt thự. Đây là “đất rừng sản xuất”, chứ không phải đất rừng phòng hộ. Tổng diện tích 5 ha, trong đó “diện tích đất ở khoảng 3.500m2, còn lại là đất nông nghiệp”.
Về việc sai phạm khi cấp sổ đỏ đất ở cho 7 hộ dân ban đầu, năm 2013 thành phố Hà Nội đã tiến hành xử lý vi phạm các cán bộ liên quan, riêng chủ tịch xã này đã bị cách chức. Sau đó, UBND huyện đã xin ý kiến chỉ đạo của thành phố để xử lý đối với các trường hợp xây dựng sai mục đích, trái thẩm quyền… Điều kỳ lạ là mặc dù biệt thự được xây dựng trên đất rừng, và việc cấp sổ đỏ cho những hộ này là vi phạm nghiêm trọng, thế nhưng theo ông Lan, hiện tại UBND huyện Ba Vì không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà tiến hành truy thu thuế đất. Một kiểu giải quyết “xử cho tồn tại”.
Trả lời chúng tôi về việc 7 hộ dân này tiến hành “tách sổ”, ông Lê Đình Minh, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ba Vì cho biết, năm 2013, sau khi có Luật Đất đai mới thì đối với những hộ đã chuyển quyền sử dụng (QSD) đất, huyện đã tiến hành truy thu tiền sử dụng đất. Hiện các hộ đã tiến hành tách sổ, và đã cấp 24 giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ, nhưng cụ thể như thế nào thì chưa nắm được chính xác. Như vậy, chỉ với 7 giấy chứng nhận QSD đất ban đầu, hiện nay các hộ đã tiến hành mua bán, chia nhỏ diện tích, làm tăng số giấy chứng nhận QSD đất tại khu Đập Đống, biến hàng nghìn mét đất rừng thành đất ở.
“Hạ cánh an toàn”
Được biết tại Quyết định số 754/QĐ-HU ngày 8/5/2013 của UBND huyện Ba Vì về việc thi hành kỷ luật BCH Đảng bộ xã Vân Hòa nhiệm kỳ 2010 - 2015 nêu rõ: Trong năm 2010 - 2012, Đảng ủy buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã, không thực hiện nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Huyện ủy, các văn bản chỉ đạo của UBND huyện về kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, để xảy ra việc cấp 7 GCNQSDĐ trái quy định thành đất ở và đất trồng cây lâu năm tại đồi Đập Đống (có nguồn gốc là đất lâm nghiệp), dẫn đến việc san đồi, đầu tư xây dựng 25 khu biệt thự với mục đích kinh doanh trái quy định. Như vậy thì tại đây tồn tại 25 căn biệt thự chứ không phải 24 căn như ông Lan nói (PV).
Không những vậy, BCH Đảng bộ xã Vân Hòa đã chủ trương thi công nâng mặt tràn Đập Đống, gây ngập úng diện tích trồng lúa của các hộ dân; sau khi gây ngập úng đã để cho UBND xã vay 1,2 tỷ đồng của Cty Archi bồi thường tiền giao đất cho các hộ dân nhưng không báo cáo, và không được cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng lại thông báo đến đảng viên và nhân dân thôn Bơn về việc có sự phê duyệt đền bù hỗ trợ đất ngập úng của Sở NN&PTNT là vi phạm khoản 3 Điều 37, Luật Đất đai năm 2003; vi phạm khoản 3, Điều 14 Luật Kế toán; vi phạm Điều 6 và khoản 1, Điều 77 Luật Ngân sách. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Ba Vì đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với BCH Đảng bộ xã Vân Hòa nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Được biết, với những sai phạm nghiêm trọng này, hàng loạt lãnh đạo xã Vân Hòa đã bị xử lý, với các hình thức cách chức và cảnh cáo và hiện đã “hạ cánh an toàn”. Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi tại sao với những sai phạm “cực khủng”, thế nhưng UBND huyện Ba Vì lại xử lý lãnh đạo xã Vân Hòa nhẹ nhàng như vậy? Bên cạnh đó thì cán bộ, lãnh đạo huyện Ba Vì bị xử lý thế nào khi để xảy ra sai phạm, cấp sổ đỏ thổ cư trên đất rừng, vì việc cấp sổ đỏ chỉ có UBND huyện Ba Vì mới đủ thẩm quyền? Phải chăng có sự bao che cho cán bộ để xảy ra sai phạm ở đây?