Huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
- Tra cứu phẫu thuật
- 21:18 - 10/04/2015
*Theo thông lệ mọi năm, hội nghị Biểu dương NCC có công tiêu biểu được diễn ra vào tháng 7. Vì sao Hội nghị Biểu dương NCC năm 2015 lại diễn ra vào tháng 4 thưa ông ?
Hội nghị Biểu dương NCC là một trong những hoạt động nhằm tri ân những NCC, chính vì vậy, công tác này được làm rất sớm và làm rất chu đáo. Ngay từ năm 1977, chỉ 2 năm sau ngày thống nhất đất nước, Hội nghị lần thứ nhất đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội để bày tỏ lòng biết ơn những anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và NCC giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hằng năm, Hội nghị biểu dương NCC được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/ 7.Năm nay, nhân dịp 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta tổ chức “Hội nghị biểu dương NCC tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh – mùa xuân 1975” tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2015.
*Hội nghị Biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2015, có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?
Hội nghị Biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2015 với Chủ đề “Hội nghị toàn quốc Biểu dương NCC tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh - Mùa xuân năm 1975”, do Bộ LĐ-TB&XH cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, diễn ra trong từ ngày 13 đến 14/4/2015, tại Hội trường Thành ủy, số 111 Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Đến dự có khoảng 500 đại biểu trong đó có 300 đại biểu, đại diện cho những người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên toàn quốc. Đây là một hoạt động quan trọng vinh danh NCC và hướng tới Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015).
Hội nghị biểu dương người có công (NCC) không chỉ là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tưởng nhớ, tri ân những NCC với cách mạng mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc NCC trên phạm vi cả nước.
*Mục tiêu của Đảng, Nhà nước là đảm bảo NCC, đối tượng chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Vậy ông đánh giá như thế nào về kết quả huy động các nguồn lực chăm sóc NCC thời gian qua?
Nghị quyết Đại hội X của Đảng nêu rõ: Phải bảo đảm mức sống cho tất cả NCC bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương nơi cư trú. Chỉ tiêu năm 2015-2016 phấn đấu đảm bảo 100% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú. Trong thời gian qua, với 3 nguồn lực: chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; Vận động sự đóng góp của các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội, đoàn thể, nhân dân và Sự nỗ lực phấn đấu của bản thân NCC. Với thế chân kiềng đó đã tạo điều kiện để NCC có mức sống trung bình bằng hoặc cao hơn mức sống người dân cùng nơi cư trú.
Trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với những NCC. Các chính sách trợ cấp ưu đãi NCC thường xuyên được điểu chỉnh nâng lên, theo lộ trình. Căn cứ vào sự phát triển kinh tế xã hội Đảng, Nhà nước nâng mức trợ cấp đối với NCC. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được xã hội hóa cao huy động sức mạnh cả cả cộng như: Phòng trào đền ơn đáp nghĩa; Phong trào sửa xây nhà tình nghĩa; Tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, giải quyết việc làm cho con em NCC… các phong trào đó đã tạo đà nâng cao đời sống NCC. Bên cạnh đó với truyền thống cách mạng luôn được NCC đề cao phát huy, do đó, trong điều kiện thương tật bệnh nhưng NCC đã tự mình vượt qua khó khăn, thương tật vươn lên làm giàu cho gia đình xã hội. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đến nay có 98% người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thăm, hỏi sức khỏe các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Thuận Thành Bắc Ninh.
*Báo cáo sơ bộ của Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC cho thấy vẫn còn 63.551 trường hợp kê khai chưa được xác nhận NCC để hưởng chế độ. Vậy trong thời gian tới việc giải quyết những tồn đọng này như thế nào thưa ông?
Qua tổng hợp của các địa phương, đến nay vẫn còn 63.551 trường hợp kê khai chưa được xác nhận NCC để hưởng chế độ (trong đó: 2.014 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ; 7.850 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh; 16.252 trường hợp kê khai chưa được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 15.664 trường hợp kê khai lập hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với cựu thanh niên xung phong theo Quyết định số 40/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ… và số còn lại là những trường hợp kê khai đề nghị hưởng các chế độ khác.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “Kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách đối với NCC và tiếp tục hoàn thiện chính sách NCC theo các đối tượng khác nhau”, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận, các Bộ, ngành từng bước hoàn thiện chính sách ưu đãi NCC đối với các nhóm đối tượng khác nhau phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và điều kiện của Ngân sách Nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội quyết định. Các trường hợp tồn đọng thực sự tham gia kháng chiến có những hy sinh cống hiến cho cách mạng nhưng chưa được hưởng thì căn cứ vào các văn bản chính sách pháp luật các địa phương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết các chế độ ưu đãi đối với NCC.
Xử lý các tồn đọng trong thực hiện chính sách cũng sẽ được thực hiện theo các hướng cụ thể.Việc xử lý hồ sơ tồn đọng, sớm xác nhận NCC cho những người đủ điều kiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành và các địa phương.
Xin cảm ơn ông!