THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:26

Hướng nghiệp cho con- gia đình còn lúng túng

 

ảnh minh họa

Con thích nghề... gì?

Chị Lan Anh (Quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Chồng chị là công nhân, trong khi bản thân chỉ buôn bán chút ít hàng khô trong ngõ chợ để cùng chung tay lo tiền sinh hoạt gia đình, tiền ăn học cho các con. Mọi công việc ở nhà, thường chị đều giành phần làm hết để cho con có thời gian học hành, nghỉ ngơi. Điều mong muốn nhất là con cái được học hành tử tế, để sau này có cơ hội nghề nghiệp, việc làm ổn định và phát triển. Gia đình có cậu con trai đang học lớp 11, khá thông minh, quá trình học tập cũng có được kết quả tương đối tốt.

Tuy nhiên, với việc hướng nghiệp cho con, thì có vẻ như đây là vấn đề có phần khó khăn đối với vợ chồng chị. Thôi thì, cứ nhìn quanh hàng xóm có mấy cô chú người thì làm ngân hàng, người thì làm cho công ty nước ngoài,... đi làm thì đi bằng ô tô, nghe đâu thu nhập có đến cả vài chục triệu đồng mỗi tháng, thế là về khuyên con trai: “cứ nhìn mấy cô chú ấy mà học, sau này có việc làm như thế là được, chứ như bố mẹ thì vất vả lắm,...”. Thế nhưng những gợi ý về nghề nghiệp mà chị Lan Anh đưa ra thì cậu con trai tỏ ra không hề hứng thú, và gần như không để tâm đến. Cảm thấy không yên tâm, chị tiếp tục hỏi con là nếu không thích những nghề đó, thì con thích nghề gì, mong muốn sau này sẽ làm nghề gì thì con trai tỏ ra bối rối và nói thật là cũng chưa biết là mình thích nghề gì, muốn làm gì. Cậu kết luận là thôi cứ học xong THPT... rồi tính!

Thực tế hiện nay, vấn đề mà gia đình chị Lan Anh gặp phải trong quá trình hướng nghiệp cho con không phải là câu chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, số đông các phụ huynh đều không tìm hiểu kỹ càng và đành phải gác lại việc gợi ý hướng nghiệp cho con. Về phần các con, có thể mải lo việc học hành có lẽ vấn đề hướng nghiệp cũng sẽ đi vào quên lãng. Điều này khiến cho cả gia đình và các em có nguy cơ rơi vào bị động vào thời điểm tốt nghiệp ra trường mà chưa thể định hướng ngành học tiếp theo.

Quy trình hướng nghiệp

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Ho (ĐH Rmit) cho rằng, các bạn trẻ và cả một số bậc phụ huynh đang chưa hiểu được hướng nghiệp là một quy trình đòi hỏi thời gian, sức lực và sự suy ngẫm, trải nghiệm,... Quy trình này thường được bắt đầu bằng những câu hỏi về bản thân như là: mình có khả năng gì, có sở thích gì, sau đó là về nghề nghiệp, nghề nào có khả năng phù hợp với mình, nghề nào sẽ được đón nhận trong tương lai. Sau cùng là các bước quyết định và hành động, theo ý kiến của cha mẹ hay theo mình. Học ở đâu và học như thế nào.

Trong văn hóa của người Việt Nam, giá trị gia đình rất quan trọng. Sự hỗ trợ của cha mẹ về tinh thần và vật chất, sự đòi hỏi phải nghe theo lời từ cha mẹ, thói quen nghe theo những hướng dẫn của người lớn hơn mình. Tất cả là một phần quan trọng trong đời sống các bạn trẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc nghe theo hướng dẫn của cha mẹ cũng sẽ có lúc không đem lại một kết quả tích cực. Điều này cho thấy, các bậc phụ huynh nên giành quyền chủ động cho con mình, nên hướng cho con tham gia các trách nhiệm từ những việc trong gia đình nhỏ, đến đại gia đình, và ra xã hội. Những việc này có thể giúp các em trưởng thành và thu thêm được những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho tương lai.

 Theo kinh nghiệm tư vấn của mình, chuyên gia Phoenix Ho chỉ ra những trường hợp cần trợ giúp dài hơi nhất trong tư vấn hướng nghiệp luôn có các đặc điểm chung: Theo quyết định của người khác; để quyền quyết định cho người khác; đẩy việc chịu trách nhiệm cho người khác khi không thánh công và sợ đưa ra quyết định. Thường các em chỉ dám đưa ra quyết định khi được cha mẹ hỗ trợ cho quyết định đó, sau khi đã quyết định thì lại mong muốn kết quả ngay lập tức.

PHƯƠNG MINH - ANH QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh