Hướng đến tương lai của người tự kỷ
- Dược liệu
- 15:49 - 28/05/2015
Thông qua các bức tranh của 5 trẻ tự kỷ (Nguyễn Trung Hiếu, Hà Đình Chí (Nem), Nguyễn Gia Bảo, Phạm Bình Minh, Trịnh Hoàng Minh), triển lãm gửi đến cộng đồng thông điệp “Nâng đỡ sự khác biệt, tạo tương lại cho người tự kỷ”.
Những bức tranh được trưng bày là cái nhìn chân thực nhất của các em đối với cuộc sống. Trong đó, thế giới xung quanh trẻ tự kỷ có thể chỉ là hình quả cà chua, lọ hoa…mà các em nhìn thấy, là hình ảnh về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được các em tái hiện lại sau chuyến đi thăm cùng cả lớp, hay về cánh đồng quê mà các em đã được đến… Những hình ảnh ấy tuy rất giản dị nhưng lại sống động trong tâm trí của trẻ tự kỷ.
Các bức tranh của Trung Hiếu, Hà Chí, Gia Bảo, Hoàng Minh hay các bức tượng của Bình Minh đại diện phần nào cho thế giới của rất nhiều trẻ tự kỷ khác – những đứa trẻ đang cần xã hội quan tâm hơn nữa để có thể đóng góp sức lực xây dựng cuộc sống.
Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Xem tranh của các cháu sẽ thấy các cháu có một trái tim, tâm hồn nhạy cảm dù cá cháu không có được ngôn ngữ, tiếp xúc hay giáo tiếp giống như những bạn trẻ bình thường cùng trang lứa. Các cháu có hoàn cảnh đặc biệt nhưng qua tranh thấy được tinh thần lạc quan trong sáng của các em mà không phải người lớn nào cũng có thể làm được.Tôi mong triển lãm sẽ như hồi chuông đánh thức cộng đồng, xã hội hiểu nhận thức đúng đắn về căn bệnh này. Hãy coi đây là một loại khuyết tật để giúp đỡ, chia sẻ cùng các cháu, đồng thời mong Chính phủ có những chính sách hợp lý hỗ trợ trẻ tự kỷ”.
Một số tranh, ảnh trưng bày tại triển lãm.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tới dự triển lãm và tặng quà cho các trẻ tự kỷ. Đánh cao những hoạt động của CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội và mạng lưới trẻ tự kỷ Việt Nam trong thời gian qua, bà Mai nhấn mạnh: “Luật Khuyết tật đã được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống, tạo cơ hội nhiều hơn cho người khuyết tật, nhưng trên thực tế, người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Tự kỷ không phải là vấn đề mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhưng xã hội vẫn chưa có cái nhìn đúng về dạng khuyết tật này. Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ có hướng dẫn Bộ Y tế ban hành bộ quy chuẩn xác định như thế nào là trẻ tự kỷ; Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chính sách trợ giúp trẻ tự kỷ, cần xem tự kỷ là một dạng khuyết tật khác…”.