Hướng dẫn trẻ xây dựng và thực hiện những thói quen tốt cho trẻ
- Dược liệu
- 08:27 - 14/12/2021
Đại dịch Covid-19 khiến những thói quen và lịch trình thường ngày bị gián đoạn, chúng ta cũng phải hạn chế đáng kể các giao tiếp xã hội thông thường. Điều này có thể gây tác động tiêu cực đối với chúng ta về mặt thể chất và tinh thần.
Theo các chuyên gia, bố mẹ và con nên cùng nhau trao đổi và thiết lập lịch trình sinh hoạt thường nhật linh hoạt nhưng nhất quán. Sắp xếp thời gian dành cho các hoạt động cố định thường ngày và cả thời gian rảnh cho bạn và cho con bạn. Điều này giúp trẻ có cảm giác an toàn hơn, và qua đó hành xử đúng mực hơn.
Trẻ nhỏ hoặc trẻ tuổi "teen" có thể góp sức vào việc thiết lập lịch trình sinh hoạt trong ngày, chẳng hạn như viết thời gian biểu cho việc học tập. Trẻ sẽ làm theo lịch trình đó một cách tốt hơn nếu như các con được cùng với cha mẹ lên kế hoạch. Đừng quên sắp xếp lịch tập thể dục vào trong ngày. Điều này giúp giảm bớt căng thẳng và tiêu hao năng năng lượng cho trẻ khi ở nhà. Tuy nhiên trong thời gian khó khăn này, không dễ gì để duy trì những thói quen đó.
Thời gian biểu hàng ngày của chúng ta đột nhiên bị đảo lộn nhưng ta vẫn cần duy trì các kế hoạch mà bản thân đặt ra. Trước hết, cần tạo thói quen tót hàng ngày. Các thói quen giúp sinh hoạt thường nhật của chúng ta có tổ chức hơn. Đảm bảo hàng ngày bạn đều ăn sáng, đánh răng và ngồi vào bàn làm việc đúng giờ để ngày của bạn trôi qua thật hiệu quả.
Đặc biệt, hãy đảm bảo rằng bạn cân bằng được giữa công việc và nhu cầu của cá nhân bạn hoặc gia đình bạn. Một số người có xu hướng kéo dài thời gian làm việc bởi họ không còn ở văn phòng nữa. Muốn cân bằng, hãy chú ý giờ giấc.
Làm việc tại nhà cũng có điểm cộng. Bạn sẽ chợt nhận ra rằng mỗi ngày, bản thân lại có thêm một hoặc hai tiếng rảnh rỗi, hoặc nhiều hơn. Đừng bỏ lỡ cơ hội này: hãy dành thời gian đó học thêm một ngôn ngữ, chơi nhạc cụ, làm thơ hoặc học yoga. Có nhiều ứng dụng, trang web giúp bạn học tại nhà và hãy tranh thủ thời gian này cùng con làm những việc có ích mà trước nay chưa làm được vì quá bận rộn.
Viết nhật ký cũng là một hoạt động hữu ích. Khuyến khích con viết ra cảm nhận và trải nghiệm bản thân khiến con có thể quan tâm hơn tới cảm xúc và sức khỏe tinh thần của mình.
Hàng ngày, các phương tiện truyền thông đăng tải đầy rẫy những câu chuyện đáng sợ về dịch COVID-19 và có thể sẽ khiến trẻ cũng như chính bố mẹ choáng ngợp. Bạn cần có cái nhìn khách quan và kiểm soát những gì bạn và con bạn xem, đọc và nghe về virus corona để bản thân không quá lo lắng và căng thẳng.
Tự giới hạn số lượng tin tức đọc và hãy kiểm tra nguồn tin. Cập nhật từ những nguồn chính thống và đừng quá đắm chìm trong những tin tức về dịch bệnh, hãy dành thời gian nghe nhạc, đọc sách và xem các chương trình TV.
Cùng với đó, dạy trẻ về việc giữ khoảng cách an toàn. Nếu nơi bạn ở không bị yêu cầu hạn chế, nên cho trẻ đi ra bên ngoài nhà nhưng cần giữ khoảng cách an toàn theo các hướng dẫn. Bạn có thể hướng dẫn con viết thư và vẽ tranh để cùng chia sẻ với mọi người. Treo nó ở trước cửa bên ngoài nhà bạn để mọi người cùng xem. Bạn có thể trấn an con của mình bằng cách nói về việc bạn làm thế nào để đảm bảo an toàn, đồng thời lắng nghe những ý kiến của con và thực hiện chúng một cách nghiêm túc.
Hãy tìm cách tạo sự hứng khởi và thú vị trong việc rửa tay và vệ sinh thân thể như: Tìm kiếm một bài hát dài 20 giây cho việc rửa tay. Nói rõ cho trẻ lý do phải rửa tay hằng ngày và nhớ khen ngợi trẻ khi trẻ thực hiện tốt điều này. Tạo ra một chơi trò chơi xem ai là người chiến thắng khi có số lần đưa tay lên mặt ít nhất (có thể giám sát đếm lẫn nhau trong ngày). Dành thời gian vào cuối ngày để cùng con đánh giá một ngày của nhau. Gợi nhớ lại cho trẻ về một điều tích cực và đầy thú vị mà con đã làm. Tự khen thưởng vì những gì mà bạn và con đã thực hiện tốt trong ngày hôm nay.
Nếu bố mẹ thực hành việc đảm bảo vệ sinh thân thể, giữ khoảng cách an toàn với người khác và đối xử với người ngoài một cách tử tế, đặc biệt là có lòng trắc ẩn với những người đang bị ốm hoặc dễ bị mắc bệnh, con trẻ sẽ học được điều tốt đó từ bạn.