Chuyện của bác sĩ làm mẹ của hàng trăm trẻ em yếu thế
- Dược liệu
- 20:23 - 11/12/2021
Mẹ hiểu tính cách của từng cụ già, con nhỏ
Mấy đứa trẻ đang vui đùa ở sân, thấy mẹ Hải đến, chúng khoanh tay lễ phép đồng thanh:
- Con chào mẹ Hải.
- Mẹ chào các con.
"Cứ đến khu nuôi dạy trẻ, các con cứ ríu ra ríu rít như thế không yêu sao được? Với tôi, mỗi ngày đến cơ quan không chỉ để hoàn thành công việc được giao mà còn như về ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đó, có 80 con, 89 cụ, không ít các cụ hàng ngày vẫn thân thiết gọi tôi là con", bác sĩ Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội vừa dẫn chúng tôi xuống thăm các cháu nhỏ đang được nuôi dưỡng tại đây, vừa kể.
Bác sĩ Hải đến với ngành LĐ-TB&XH như một cơ duyên. Từ bé, cô luôn ước mơ lớn lên sẽ trở thành bác sĩ. Vì thế, khi đứng trước nhiều lựa chọn trường đại học, cô đã không do dự quyết định theo học Đại học Y Thái Bình. Với tình yêu trẻ, tốt nghiệp đại học, cô đăng ký học định hướng chuyên khoa Nhi và về công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc ngành LĐ-TB&XH.
Năm 1993, lần đầu tiên đến chỗ làm, cô đã khá sốc với chỗ làm mới của mình. Giống như nhiều bác sĩ trẻ khác luôn nghĩ, ra trường sẽ vào làm việc tại các bệnh viện với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có những đồng nghiệp giỏi và thường xuyên được học hỏi để cập nhật những phương pháp cứu người mới trên thế giới. "Lúc mới đến nhận công việc tại Trung tâm, thú thật tôi đã có ý định lùi bước. Thế nhưng, khi được Giám đốc Trung tâm dẫn xuống gặp những đứa trẻ mồ côi, suy dinh dưỡng đang được chăm sóc tại đây và nói: "Giới thiệu với các con, đây là mẹ Hải. Từ nay, mẹ Hải sẽ là người dạy dỗ và chăm sóc các con". Những đứa trẻ gầy gò cùng đồng thanh: "Con chào mẹ Hải ạ". Một sinh viên trẻ mới ra trường bỗng có hàng chục đứa trẻ gọi mình là mẹ tôi thấy xúc động vô cùng. Nhìn ánh mắt háo hức của những đứa trẻ ốm o vì suy dinh dưỡng lúc đó tôi có cảm giác như có một luồng điện chạy qua. Và tôi quyết định ở lại, đồng hành cùng các con và gắn bó với ngành từ đó", bác sĩ Hải nhớ lại.
Sau một thời gian, bác sĩ Hải được điều chuyển nhận công tác tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số II (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), rồi điều động về công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội cho đến nay. Bác sĩ Hải cho biết: "Về công tác tại Trung tâm giống như về lại nhà của mình. Bởi sau một thời gian, Trung tâm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ mồ côi sáp nhập với Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội. Tôi được gặp lại một số con trước đây mình đã từng chăm sóc, dạy bảo và điều trị; gặp lại một số đồng nghiệp. Về đây, có thêm những cụ già neo đơn hoàn cảnh rất đáng thương".
Những lúc hết giờ làm việc, bác sĩ Hải lại xuống trò chuyện cùng các cụ và các con. Nhìn các con khôn lớn mỗi ngày trong vòng tay chăm sóc, dạy bảo của các mẹ ở Trung tâm chính là niềm vui của chị cũng như các nhân viên làm việc tại đây. Với những cháu nhỏ sơ sinh mới được đón về Trung tâm, chị phải thường xuyên theo dõi sát sao cả về dinh dưỡng, y tế vì nhiều con rất yếu, suy dinh dưỡng nặng, có những con có bệnh nền lại không được bú sữa mẹ từ nhỏ nên sức đề kháng yếu. Cứ trái gió trở trời các con lại ốm, các mẹ thay nhau chăm sóc. Với các con lớn hơn, còn cần cả chăm sóc, tư vấn trò chuyện cùng các con về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản….
Chị hiểu hết tính cách, sở thích, bệnh tật của từng cụ sống tại Trung tâm. Hơn ai hết, là bác sĩ nên chị hiểu và thường xuyên trò chuyện, thăm khám và tư vấn cho các cụ. “Nhiều cụ mệt là không chịu ăn. Các cô điều dưỡng có động viên thế nào cũng nằm không dậy ăn cơm, uống thuốc. Tôi xuống thăm khám, trò chuyện một lúc cụ dậy ăn rồi uống thuốc, nói chuyện, vận động nhẹ nhàng… Ở đây, dù có cá cụ chuyện trò, có các nhân viên tận tình chăm sóc nhưng những lúc ốm đau các cụ vẫn rất muốn có người thân bên cạnh. Nhiều cụ ở đây rất nhiều năm nhưng không có ai đến thăm nên các cụ tủi thân. Những lúc như vậy lại càng phải động viên, chuyện trò cùng để các cụ vơi đi sự cô đơn”, bác sĩ Hải nói.
Vừa là người khám điều trị, người ra y lệnh cũng là người thực hiện y lệnh
Bác sĩ Hải cho biết, trang thiết bị y tế các Trung tâm chưa được trang bị đầy đủ và hiện đại. Định mức kinh phí cho mỗi đối tượng còn khiêm tốn trong khi sức khỏe các cụ 100% bệnh cao huyết áp và các bệnh mãn tính như: tiểu đường, mỡ máu, bệnh phổi tắc nghẽn, tai biến mạch máu não, lao phổi, bệnh xương khớp phải thường xuyên phải điều trị. Một số cụ sa sút trí tuệ, không phục vụ được bản thân. Hiện có 22 cụ yếu phải chăm sóc đặc biệt. Nhiều trẻ sơ sinh yếu phải chăm sóc đặc biệt của chuyên môn y tế. Nếu thường xuyên chuyển tuyến các cụ, các trẻ lên bệnh viện sẽ rất tốn kém, nguồn kinh phí được cấp không thể đáp ứng; nhân viên y tế phải đi theo phục vụ. Vì thế, đội ngũ y bác sĩ Trung tâm phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới để điều trị hiệu quả. Đồng thời tìm các nguồn tài trợ những thuốc mới để cấp phát cho bệnh nhân khi cần thiết.
Để công tác chăm sóc, điều trị cho các cụ, các con đạt kết quả cao, Trung tâm lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe để nắm rõ tiền sử bệnh tật của từng người nhằm chủ động phòng ngừa, điều trị. Đối với những bệnh cấp tính và mãn tính được điều trị kịp thời và được xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp. Khi trường hợp cần thiết khẩn trương điều chuyển các bệnh nhân đến bệnh viện. “Các y bác sỹ của Trung tâm tự tay bóc từng viên thuốc đưa cho bệnh nhân, pha sữa bê tận giường động viên bệnh nhân uống… Không chỉ là bác sĩ điều trị bệnh mà còn là người chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với các cụ, động viên các con như những người thân yêu trong gia đình”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Nếu như ở các bệnh viện bác sĩ là người ra y lệnh để bệnh nhân và người nhà thực hiện, còn ở Trung tâm, bác sĩ vừa là người khám điều trị, người ra y lệnh và đồng thời cũng là người thực hiện y lệnh. "Tôi chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn phòng y tế đồng thời khám chữa bệnh cho một số trường hợp đặc biệt. Nhiều lần khám xong cho bệnh nhân phải liên lạc với một số bạn bè làm việc trong ngành y khoa để xin hỗ trợ thuốc tân dược", bác sĩ Hải kể.
27 năm công tác trong ngành LĐ-TB&XH, từng trải qua nhiều đơn vị, vị trí công tác nhưng bác sĩ Hải vẫn giữ nguyên tình yêu nghề, gắn bó với ngành. Chị bảo: "Những người sống tại Trung tâm là những người có hoàn cảnh đặc biệt rất đáng thương. Từ các cụ già cho đến các con nhỏ rất cần sự sẻ chia, yêu thương của mình. Phải thật sự tâm huyết, yêu nghề có tình thương với những người yếu thế thì mới có thể gắn bó với nghề".