THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:15

Hưng Yên: Nhiều sáng kiến để giúp người dân giảm nghèo bền vững

Hàng năm, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả.

Hưng Yên: Nhiều sáng kiến để giúp người dân giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Nhiều mô hình giảm nghèo đã được triển khai hiệu quả tại Hưng Yên.

Tại huyện Văn Giang, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng, tạo điều kiện cho hàng chục cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp về từng địa phương, trường học tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh dạy nghề, tuyển dụng lao động và phối hợp mở 2 lớp dạy nghề miễn phí cho 175 lao động nông thôn. Cùng với đó, hỗ trợ cho hơn 48 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh... Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, đến nay Văn Giang là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp của tỉnh với tỷ lệ giảm còn 1,52%; trong 4 năm qua có gần 400 hộ thoát nghèo, huyện cơ bản không có trường hợp nào tái nghèo.

Tại huyện Phù Cừ, bên cạnh chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi theo quy định của Chính phủ, từ năm 2017 đến nay, huyện bố trí 300 - 500 triệu đồng/năm từ ngân sách để tạo nguồn vốn vay cho người nghèo. Hàng năm huyện phối hợp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 600 lao động, tạo việc làm mới cho khoảng 1.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên lên hơn 90%. Đồng thời, huyện triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, nên đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,28%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ năm 2016 đến nay là 1,45%/năm.

Trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy hiệu quả vai trò tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thực hiện các chính sách giảm nghèo, để mọi người dân hiểu công tác giảm nghèo vừa là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng cũng là trách nhiệm của toàn dân. Từ năm 2015 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp cho Quỹ Vì người nghèo với số tiền hơn 47 tỷ đồng. Thông qua quỹ, hàng nghìn lượt hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó, người mắc bệnh hiểm nghèo, người nghèo đi khám, điều trị bệnh được hỗ trợ kịp thời...

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ năm 2016 đến hết năm 2019, toàn tỉnh có gần 118 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, với tổng số tiền trên 2.989 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống hộ nghèo...

Nhờ sự quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 4,65% (năm 2016) xuống còn 1,9% (năm 2019) theo chuẩn nghèo đa chiều; hoàn thành trước 1 năm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hộ tái nghèo, mức tái nghèo bình quân 2,37%/năm/tổng số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo phát sinh mới bình quân 14,97%/năm/tổng số hộ nghèo. Một trong những nguyên nhân là do nhận thức của cán bộ ở một số địa phương về công tác giảm nghèo còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo chưa thực sự sát sao, quyết liệt, thiếu đồng bộ; mức cho vay của một số chương trình vay vốn ưu đãi còn thấp; việc huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo còn bất cập. Trong khi đó, tinh thần tự lực vươn lên ở một bộ phận hộ nghèo còn hạn chế, còn tâm lý trông chờ vào chính sách của nhà nước. Những hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh mới phần lớn không có thành viên có khả năng lao động, hoặc có người đủ khả năng lao động nhưng phải chăm sóc đối tượng khuyết tật nặng, gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo... 

X.MAI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh