Hưng Yên: Công ty tái chế hạt nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
- Pháp luật
- 14:57 - 07/07/2016
Nhận được phản hồi của người dân hai xã Phù Ủng, huyện Ân Thi và xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào về việc nhà máy tái chế hạt nhựa thuộc Công ty cổ phần Phát triển Bắc Trung Nam gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, đời sống của người dân quanh khu vực này, PV báo Lao động - Xã hội đã trực tiếp xuống địa bàn tìm hiểu vụ việc.
Ô nhiễm trầm trọng
Tới địa bàn khu vực thôn Huệ Lai, xã Phù Ủng, mùi xú uế bốc lên, khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu, ngộp thở, chóng mặt. Dòng sông Bắc Hưng Hải mặt nước đen sì, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Cạnh bên bờ sông lộ rõ 30 bể chứa nước thải với hệ thống cống dẫn lộ thiên trực tiếp đổ ra sông Bắc Hưng Hải của công ty cổ phần Phát triển Bắc Trung Nam. Con đường dẫn đến công ty khá lầy lội, trơn trượt do trời mưa. Được biết, đó là con đường công ty này tự cho người đắp đất mở rộng để tiện việc vận chuyển bằng ô tô. Quanh khu vực nhà máy tái chế có vô số kiện hàng được xếp thành từng đống cao ngất ngưởng.
Những kiện bao bì, phế liệu xếp cao ngất ngưởng trong sân nhà máy.
Ông Phạm Văn Giắt ( 59 tuổi), ở thôn Huệ Lai cho biết, công ty này thu mua vỏ bao bì xi măng, bao bì nhựa và phế liệu về tái chế sản xuất hạt nhựa xuất sang Trung Quốc. Phế liệu mua về được ngâm trong những bể xút ( dung dịch Natri hidroxit NaOH) có nồng độ đậm đặc để xử lý. Toàn bộ nước thải, chất thải sau ngâm rửa và tái chế đều đổ ra sông Bắc Hưng Hải.
“Sau khi tẩy rửa, toàn bộ số bao bì và phế liệu được mang đi nấu chảy thành nhựa. Mỗi lần người ta đốt, mùi khét, hắc bốc ra nồng nặc rất khó thở. Đóng kín cửa, đeo khẩu trang, bịt xốp, bật điều hoà,…đều không có tác dụng. Những khi ấy cả làng thường kéo nhau chạy ra cánh đồng cách đó vài cây số mới thấy dễ chịu hơn một chút,” ông Giắt cho biết thêm.
Anh Phạm Văn Minh ( 27 tuổi), ở thôn Huệ Lai cũng cho biết: “ Trung bình 1 tháng công ty này xả thải từ 1 đến 2 lần, chủ yếu vào ban đêm. Mỗi lần xả thải, dòng sông nước đen sì, bốc mùi hôi nghẽn mũi, tức thở. Cá chết nổi trắng cả sông, dân chúng tôi không ai dám vớt ăn vì sợ ngộ độc. Lâu lắm rồi chẳng còn ai đánh bắt cá trên con sông này nữa.”
30 bể chứa nước thải đen kịt, bốc mùi thối nồng nặc theo đường cống dẫn lộ thiên được đổ trực tiếp ra dòng sông Bắc Hưng Hải.
Ông Đoàn Văn Cây, 51 tuổi, thôn Vô Ngại, xã Ngọc Lâm, người 20 năm làm nghề chèo đò qua sông Bắc Hưng Hải cho hay: Những năm gần đây, khi khu công nghiệp với nhiều nhà máy đi vào hoạt động, dòng sông Bắc Hưng Hải dường như bị bức tử. Đặc biệt là từ khi Công ty cổ phần Phát triển Bắc Trung Nam này đi vào hoạt động. Nhiều lần người ta xả thải, hoá chất nổi bọt lềnh bềnh, cá chết trắng sông, mùi hôi thối bốc lên đeo khẩu trang vẫn không chịu được. Nhưng vì mưu sinh, ông vẫn phải bám nước, bám sông cho đến hôm nay.
Triền miên đau ốm vì ô nhiễm
Tình trạng ô nhiễm nặng nề, khiến người dân sinh sống quanh khu vực hai xã Phù Ủng huyện Ân Thi và Ngọc Lâm huyện Mỹ Hào mắc phải nhiều bệnh, nhiều người triền miên đau ốm.
Ông Phạm Văn Tháp (53 tuổi ở thôn Huệ Lai) cho biết: “Nước sông ô nhiễm, mùi hôi thối, khét lẹt bốc lên quanh năm không thể chịu được. Nhiều người dân nơi đây đau ốm thường xuyên. Đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Ban đầu chỉ là đắng miệng, nghẽn mũi. Sau thấy khó thở, viêm phổi, viêm xoang,… Những hộ dân sống ven bờ sông đã có nhiều người chết vì bệnh ung thư.”
Ông Phạm Văn Tuần, Trạm trưởng trạm y tế xã Phù Ủng cho biết, số lượng người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp và ung thư trong 2 năm gần đây tăng mạnh. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2015, số người mắc bệnh về đường hô hấp khoảng hơn 500 người thì 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng lên 900 người. Số người tử vong vì bệnh ung thư trong năm 2015 là 9 ca, thì trong 6 tháng đầu năm nay đã là 7 ca. Tương tự, theo thống kê của Trạm y tế xã Ngọc Lâm, số người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp và ung thư đều tăng đột biến.
Trước tình trạng ô nhiễm kéo dài, người dân nơi đây kiến nghị, yêu cầu các cấp chính quyền, ban ngành đưa ra một biện pháp xử lý triệt để, kịp thời. “ Chúng tôi yêu cầu đóng cửa nhà máy, di dời đi nơi khác càng sớm càng tốt. Chứ cứ để tình trạng ô nhiễm kéo dài mãi như thế này chúng tôi không thể sống nổi,” anh Đào Văn Ngoạn ( 33 tuổi)ở thôn Huệ Lai bức xúc nói.
Ông Phạm Văn Tháp tay không ngừng quạt mùi xú uế khi chia sẻ với nhóm PV.
“Chỉ có mùi khó chịu chứ không ô nhiễm?"
Được biết, Công ty cổ phần phát triển Bắc Trung Nam nằm trên địa phận thuộc đề án quy hoạch làm Cảng vật liệu xây dựng. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có hai đầu khu đất được sử dụng cho việc khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng. Trung tâm vùng đất này được cho thuê lại để mở nhà máy. Trước kia là nhà máy sản xuất cám con cò. Nhưng nhà máy này chỉ hoạt động một thời gian rồi đóng cửa. Hiện tại nhà máy tái chế hạt nhựa của Công ty đã hoạt động trong thời gian 2 năm.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân quanh khu vực Công ty hoạt động, đã nhiều lần đệ đơn trình lên các cơ quan chức năng, nhưng vẫn không được giải quyết. Phía chính quyền xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào cho biết, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Hào đã nhiều lần đến làm việc, nhưng chỉ kết luận: Chỉ có mùi khó chịu chứ không ô nhiễm gì!
Trong khi đó, ông Trần Huy Thuấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm thừa nhận: “Việc ô nhiễm này là có thật. Trước phản ánh của người dân, chúng tôi đã trình đơn lên cấp huyện uỷ yêu cầu đình chỉ hoạt động công ty này và đang chờ quyết định xử lý. Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, nhưng công ty này không trình được giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh môi trường. Chúng tôi đã từng đưa xuống công văn yêu cầu công ty này ngừng hoạt động, trước khi có quyết định chính thức của UBND huyện Mỹ Hào. Nhưng họ vẫn cố tình làm. Tuy nhiên, chính quyền cấp xã không thể làm gì hơn ngoài việc nhắc nhở, kiểm điểm, lập biên bản, xử phạt hành chính, đình chỉ ngắn hạn. Nếu làm quá sẽ vượt thẩm quyền của xã. Vấn đề quan trọng là phía môi trường huyện phải tiến hành xác minh mức độ ô nhiễm thì mới đưa ra hình thức xử phạt hợp lý.”
Việc chờ đợi xác minh, đưa ra quyết sách giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, hoạt động không có giấy phép trong thời gian 2 năm đối với Công ty cổ phần phát triển Bắc Trung Nam của chính quyền địa phương khiến người dân ngao ngán, bức xúc. Họ cho rằng, chính quyền sở tại thờ ơ, tắc trách. Rõ ràng, quá trình xử lý vi phạm đối với Công ty cổ phần phát triển Bắc Trung Nam của chính quyền địa phương huyện Mỹ Hào bộc lộ rõ sự mâu thuẫn, không nhất quán, có biểu hiện bao che. Đến bao giờ lời kêu cứu của người dân mới thực sự được giải quyết? Sức khoẻ và sự nhẫn nại của người dân nơi đây vẫn đang gắng gượng “chạy đua” với một quyết định mang tính giải thoát nỗi cơ cực của họ!