CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:34

Huế trầm mặc và mộng mơ

1. Huế có rất nhiều điểm nhấn du lịch hấp dẫn, quyến rũ du khách như: Bảo tàng mỹ thuật cung đình, chùa Từ Đàm, chùa Thiên Mụ, Đàn Nam Giao, đồi Vọng Cảnh, đồi Thiên An và lăng các vị vua: Gia Long, Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng, Đồng Khánh, Thiệu Trị... Nhưng du khách dù là ta hay tây, khi đã đặt chân tới đất Cố đô Huế đều không thể bỏ qua điểm tham quan hấp dẫn và ấn tượng hàng đầu đó là Đại Nội Huế, nằm cách dòng sông Hương thơ mộng không xa.

Lăng Khải Định.

Theo hướng dẫn viên du lịch thuyết minh bằng sa bàn cho biết, Đại Nội gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành được chính thức khởi công xây dựng từ năm 1804 (đời vua Gia Long) và hoàn thành vào năm 1833 (đời vua Minh Mạng), với hệ thống “cung vàng, điện ngọc” có khoảng trên 100 công trình kiến trúc nghệ thuật cung đình độc đáo quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Tất cả đều theo phong thủy được bố trí trên một trục đối xứng, trong đó trục chính giữa là những công trình kiến trúc chỉ dành cho vua. Những công trình hai bên được phân bố hài hòa, chặt chẽ theo nguyên tắc tính từ trong ra là “tả nam, hữu nữ”, “tả văn, hữu võ”. Du khách nếu là những người am tường về kiến trúc cung đình, sẽ thấy thật thú vị khi ngắm nhìn các cung điện dù quy mô to, nhỏ khác nhau nhưng đều được xây dựng theo kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Đó là loại nhà kép hai mái trên một nền đá cao, vỉa ốp đá thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men với hai màu vàng hoặc xanh, mái được lợp bằng ngói ống cũng được tráng men vàng hoặc xanh.

Các công trình đều được xây dựng hài hòa với cảnh quan gồm những hồ, vườn hoa, cầu đá, hòn đảo (giống như non bộ) nhưng được trồng những loại cây lưu niên lộc vừng (nay đã trở thành cổ thụ) quanh năm tỏa bóng mát. Mặt bằng Đại Nội được xây dựng theo hình gần vuông, có mỗi cạnh khoảng 600 mét, trên diện tích rộng 37,5 ha, tường cao 4 mét, dày 1 mét, bên ngoài là hào bao quanh. Hoàng Thành là vòng thành thứ hai trong kinh thành (Đại Nội) có chức năng bao bọc bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ các triều vua nhà Nguyễn (Triệu Tổ Miếu, Thái Tổ Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu) và bảo vệ Tử Cấm Thành (nơi dành riêng cho vua và hoàng gia ở).

Ngọ Môn (Đại Nội Huế).

Một trong những khu vực được coi là quan trọng nhất, rộng lớn nhất trong Đại Nội chính Tử Cấm Thành, gồm các điện Càn Thành (nơi ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Qúy phi), lầu Kiến Trung (một thời là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương)... Tuy nhiên, trải qua bao biến động trong lịch sử và thời gian, đến nay nhiều công trình kiến trúc trong Đại Nội, trong đó có cả Tử Cấm Thành không còn được nguyên vẹn, nhiều công trình bị hoang phế, đang được trùng tu khôi phục.

Để thăm quan được một cách tổng quát các công trình trong Đại Nội ngày nay, du khách có thể lựa chọn hai phương tiện di chuyển đó là xe ô tô điện, hoặc xe ngựa. Chúng tôi đã chọn phương tiện di chuyển bằng xe ngựa cho lâng lâng những cảm xúc hoài cổ, để đi một vòng qua các khu trong Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.

Cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, mỗi nơi người xà ích chỉ dừng khoảng 20 phút để chúng tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguy nga lộng lẫy của một số cung điện còn tương đối nguyên vẹn như khu vực dành cho các bà nội và mẹ các vị vua triều Nguyễn. Đó là các cung Trường Sanh (dành cho các Thái Hoàng Thái hậu), cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu) và điện Phụng Tiên, là thờ phụng các vị vua triều Nguyễn (dành riêng cho phái nữ đến thắp nhang bái lạy). Khi xe ngựa đi ngang qua một số công trình kể cả cung điện vua từng ở, đến khu “Tam cung lục viện”, vườn thượng uyển... đã bị hoang phế, có công trình chỉ còn trơ nền gạch, đá tôi bỗng nhớ tới hai câu thơ trong bài thơ tuyệt tác “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

Cung Diên Thọ. 

2. Đến với xứ Huế ngoài tham quan chiêm ngưỡng những công trình văn hóa vật thể, du khách cũng sẽ được đắm mình trong một không gian văn hóa phi vật thể rất đặc trưng, đó là lên thuyền rồng trên sông Hương nghe ca Huế. Đây được coi là một thú thưởng thức nghệ thuật cực kỳ thú vị và tao nhã từ trước đến nay ở Huế.

Trên thuyền rồng trôi bồng bềnh, chơi vơi giữa dòng sông Hương được coi là thơ mộng vào bậc nhất Việt Nam, du khách sẽ được nghe những “Nam Ai, Nam Bình”, “Tương tư khúc” qua những giọng ca ngọt ngào của các cô ca sĩ Huế hòa quyện với tiếng sáo, đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, xêng, phách của dàn nhạc. Mở đầu chương trình sẽ là bản hòa tấu các loại nhạc cụ kể trên với 4 nhạc khúc nổi tiếng đó là “Lưu thủy”, “Kim tiền”, “Xuân phong”, “Long hổ” khi réo rắt, khi khoan thai dìu dặt khiến du khách như thấy mình đang được thăng hoa giữa không gian tĩnh lặng của sông nước, mây trời. Tiếp theo sẽ là những bản dân ca với những điệu hò khoan nhặt mái đẩy, mái nhì, những điệu lý bay bổng, mượt mà, đằm thắm trữ tình như “lý con sáo”, “lý hoài xuân”, “lý tình tang”... khiến du khách mê đắm và như thể siêu thoát khỏi những vướng bận lo âu đời thường. Một cô ca sĩ giải thích với tôi rằng, ca Huế và đàn Huế nằm giữa dòng dân ca Huế và dòng âm nhạc cung đình Huế nên đầy chất lãng mạn trữ tình và tính trang trọng, nhưng cũng chất chứa bao niềm vui, nỗi buồn “hỉ, nộ, ái, ố” của cuộc đời thăng trầm như người dân cố đô.

Ca Huế hiện nay đang được biểu diễn và thu hút du khách hàng đêm trên thuyền rồng sông Hương gồm các điệu của khoảng 60 tác phẩm cả thanh nhạc, khí nhạc chủ yếu nằm trên hai dòng lớn là điệu Bắc, điệu Nam. Những nhạc khúc thuộc về điệu Bắc thường mang âm hưởng tươi vui và rất sang trọng, còn những nhạc khúc thuộc về điệu Nam thường có âm hưởng trầm buồn man mác, nhưng hết sức gợi tình như điệu “Nam Ai”, “Nam Bình”, “Tương tư khúc”... Đúng là “đi một ngày đàng học được một sàng khôn”, nghe cô ca sĩ Huế giải thích vậy, nên đêm nghe ca Huế trên sông Hương tôi càng cảm nhận được sự tinh tế sâu sắc của văn hóa Huế nói chung và ca Huế nói riêng. Cố thi sĩ Thu Bồn viết về Huế thật tuyệt: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” là vậy. 

LƯƠNG ĐỊNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh