Phiêu bồng trong sắc màu Đà Lạt mộng mơ
- Văn hóa - Giải trí
- 22:00 - 06/03/2015
Cùng là người con của xứ Lạng (Lạng Sơn), cùng thuộc dân tộc Tày, cùng giống nhau về hoàn cảnh xê dịch tha hương, nên trong cuộc trò chuyện, dù sơ giao nhưng chúng tôi cũng dễ thân thiện, đồng cảm.
Vi Quốc Hiệp đam mê những vùng đất lạ có thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng, vì thế ngay từ khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Hà Nội năm 1971, ông đã khăn gói lên tận miền cao nguyên đá Hà Giang để sống và vẽ.
Những năm tháng ấy, bước chân ông đã phiêu bồng qua nhiều vùng núi non, làng bản của miền cao nguyên đá, rồi Tây Bắc, Việt Bắc để vẽ không biết bao nhiêu bức tranh phong cảnh, con người với những gam màu mang sắc thái rất riêng về cuộc sống các dân tộc miền núi.Trong đó có họa phẩm sơn dầu“Nữ dân quân Tày – Đồng Văn” (1971) nhận được giải thưởng cao của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Sự nghiệp hội họa của Vi Quốc Hiệp thực sự tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng yêu hội họa kể từ khi ông định cư ở thành phố ngàn hoa Đà Lạt, năm 1978.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp bên bức tranh “Người giữ hồn Đà Lạt”.
Đà Lạt trong đôi mắt người họa sĩ tài hoa rất đẹp bởi bố cục của không gian cảnh quan, với những đồi dốc, thung lũng và những ngôi biệt thự cổ thấp thoáng trong rừng thông, trong mờ sương hư ảo mỗi khi chiều xuống, mỗi lần thu sang, đông tàn, xuân tới. Cái đẹp ấy cùng với sự chuyển dịch và biến hóa bốn mùa trong một ngày của Đà Lạt mộng mơ đã mê hoặc ông, thôi thức ông cầm cọ để thăng hoa thể hiện.
Đề tài sáng tạo hội họa của VI Quốc Hiệp đa dạng, nhưng ông say mê, dồn nhiều tâm huyết để vẽ nhiều nhất vẫn là những ngôi biệt thự cổ được xây dựng theo kiến trúc của Pháp thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Với 37 năm là công dân TP. Đà Lạt, trong gia tài hội họa đồ sộ của ông có khoảng 400 bức tranh thể hiện về biệt thự cổ.
Nhiều người thưởng lãm tranh vẽ về biệt thự cổ của Vi Quốc Hiệp nhận xét, mỗi tác phẩm, hay nói đúng hơn là mỗi ngôi biệt thự trong tranh của ông có cung bậc cảm xúc, bố cục, sắc màu riêng nên mang một vẻ đẹp khác nhau, không hề đơn điệu. Bởi lẽ, ông không tả thực mà vẽ bằng cả một trái tim với sự rung động của một tâm thế khắc khoải hoài cổ, như thể sợ cái đẹp hiện hữu sẽ biến mất trong nay mai.
Ở mảng đề tài khác, Vi Quốc Hiệp cũng có những cá tính sáng tạo rất riêng, với nhiều bức tranh đoạt giải cao và được trưng bày tại nhiều bảo tàng mỹ thuật trong nước và quốc tế, như: “Già làng Tây Nguyên”, “Lời thượng nguồn”, “Giữ gìn bản sắc”... Đặc biệt, bức tranh “Người giữ hồn Đà Lạt” vẽ chân dung bác sĩ Alexandre Yersin cao 1,5 m, rộng 1,1 m, được kết từ 10.000 hạt đậu, ông đã miệt mài công phu sáng tác trong một thời gian dài để tri ân người có công khám phá ra vùng đất Langbiang hùng vĩ (Đà Lạt ngày nay).
Năm 2013, Vi Quốc Hiệp tổ chức triển lãm tranh nhân kỷ niện 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Trong số hơn 100 bức tranh trưng bày, có bức “Người giữ hồn Đà Lạt” được trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam về bức tranh được ghép từ nhiều hạt đậu nhất. Sinh năm 1948, nay đã bước sang tuổi 67, nhưng niềm đam mê, sức sáng tạo hội họa của VI Quốc Hiệp còn rất sung mãn, còn rất phiêu bồng trong tìm tòi, khám phá và thể hiện.