THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:48

Huế bàn giải pháp nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo lần này là diễn đàn trao đổi và gắn kết giữa các trường cao đẳng, đại học, cơ sở GDNN, doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm thúc đẩy gắn kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác xác định ngành, nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động lành nghề cung ứng doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số thành phần chỉ số đào tạo lao động thuộc chỉ số PCI năm 2023, nâng cao mục tiêu trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, GDNN đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. 

Theo ông Bình, thời gian qua, công tác GDNN của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng lẫn chất lượng. Mạng lưới cơ sở GDNN được sắp xếp theo hương tinh gọn, đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hình thành nhóm trường đạt chuẩn về đào tạo nghề chuẩn khu vực và quốc tế. Chương trình đào tạo được đổi mới, phù hợp và gắn liền với nhu cầu xã hội. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý công tác GDNN được bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, lĩnh vực GDNN tại Thừa Thiên Huế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, qua đó đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

Thông qua Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp, đóng góp ý kiến, tham mưu cho tỉnh các giải pháp, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng công tác GDNN, qua đó đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. “Phải xây dựng các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất thì mới tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay để nâng cao chất lượng GDNN, đội ngũ giáo viên, chất lượng đầu vào và sản phẩm đầu ra. Công tác đào tạo cần phải sát với thực tế, gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội, đồng thời chất lượng sản phẩm đầu ra phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Muốn vậy thì phải có sự chung tay của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh. 

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh có 34 cơ sở GDNN, trong đó, có: 9 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 3 trung tâm GDNN, 9 trung tâm GDNN - GDTX và 9 cơ sở có hoạt động GDNN. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện đề án sắp xếp các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2022- 2030, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động kỹ thuật - dịch vụ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đến năm 2030. 

Thừa Thiên Huế cũng đã cơ bản hoàn thành đề án sắp xếp, hợp nhất ba trường là Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế, trường Cao đẳng Giao thông Huế và Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, qua đó hình thành trường Cao đẳng mới chất lượng cao.

Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của thị trường lao động

Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của thị trường lao động

Cùng với công tác sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo viên, đầu tư trang thiết bị dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất mô hình “Hội đồng GDNN tỉnh” nhằm phát triển kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, tham luận góp ý về công tác đào tạo nghề, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, từ đó giúp cơ quan quản lý Nhà nước có cái nhìn thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển GDNN, nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới.

THẢO VI

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh