THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:49

Hơn 6.000 trẻ được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả hoạt động năm 2018 của Làng trẻ em SOS Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cùng các em nhỏ ở Làng trẻ em SOS Việt Nam.

 

Theo số liệu thống kê, Làng trẻ em SOS Việt Nam đang hoạt động tại 17 tỉnh/thành: Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Đà Nẵng, Điện Biên, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế với 17 Làng trẻ em SOS cơ sở, đã và đang nuôi dưỡng 6.023 trẻ. Hiện có 1.755 trẻ đang được nuôi dưỡng tại 1.662 gia đình ở cộng đồng. Từ ngày chương trình hoạt động đến nay đã có 1.445 cháu thuộc 1.288 gia đình đã trưởng thành và rời chương trình. Trong số này có 281 gia đình đã thoát nghèo, tự chủ hoàn toàn về kinh tế (bằng 21,82%). Tổng số bà mẹ, bà dì, cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc tại các đơn vị thuộc hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam là 1.283 người.

Năm 2018, Làng trẻ em SOS Quốc tế đã tài trợ 8.672.371,89 USD (tương đương trên 199 tỉ đồng, tăng hơn 28 tỉ đồng so với năm 2017). Số kinh phí này bao gồm chi phí cho hoạt động thường xuyên của các chương trình, dự án; cho đầu tư, bảo dưỡng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Bộ LĐ-TB&XH cấp 2,5 tỉ đồng để thực hiện Chương trình tăng cường gia đình nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi ở cộng đồng (tương đương 50% tổng kinh phí chi trực tiếp cho trẻ ở cộng đồng). Các tỉnh/thành phố hỗ trợ cho các các đơn vị cơ sở là 20,3 tỷ đồng cho nuôi dưỡng trẻ, phụ cấp cho CBNV, bà mẹ bà dì và nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất. Tính tới 31/12/2018, tổng số người đỡ đầu Quốc tế là 10.663 người (tăng 887 người so với năm 2017) đang đóng góp kinh phí để duy trì các hoạt động thường xuyên của Làng trẻ em SOS Việt Nam.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả hoạt động năm 2018 của Làng trẻ em SOS Việt Nam.

 

Năm 2018, Văn phòng SOS Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, các Cục, Vụ chức năng của Bộ, của SOS Quốc tế, sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở LĐ-TB&XH và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Làng trẻ em SOS Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Văn phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Uy tín của SOS Việt Nam tiếp tục được củng cố với tổ chức SOS Quốc tế, các nhà tài trợ và với các địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những tồn tại và thách thức như: Một số văn bản cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Chưa tuyển dụng đủ nhân sự cho một số chức danh theo sơ đồ đã duyệt cho Văn phòng SOS Việt Nam. Công tác Truyền thông và Phát triển quỹ còn nhiều khó khăn. Công tác tuyển dụng các bà mẹ, bà dì vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số Làng trẻ em SOS cơ sở chưa nhận được đầy đủ kinh phí hỗ trợ bù chênh lệch tiền ăn cho trẻ em theo quy định tại NĐ136…

Định hướng năm 2019, Làng trẻ em SOS Việt Nam sẽ nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan chức năng đưa mô hình chăm sóc thay thế của Làng trẻ em SOS Việt Nam vào các văn bản pháp lý, đồng thời trình Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan công nhận mô hình chăm sóc thay thế của Làng trẻ em SOS. Hướng dẫn và giám sát các đơn vị tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em.

Xây dựng văn bản hướng dẫn phân cấp, quản lý và xử lý tài sản phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện công tác đánh giá cơ cấu tổ chức tại các địa phương và kiện toàn nhân sự theo cơ cấu tổ chức mới.

Tổ chức khóa tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo cho Trợ lý giám đốc, Phó hiệu trưởng các trường Hermann Gmeiner và Hiệu trưởng các trường mẫu giáo; đào tạo cơ bản cho các bà mẹ, bà dì mới tuyển… Mở rộng chương trình đỡ đầu quốc tế cho trẻ thuộc chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng. Tiếp tục duy trì các kênh truyền thông và phát triển quỹ hiện nay gồm: Tư vấn tài trợ trực tiếp, gây quỹ trực tuyến, gây quỹ từ doanh nghiệp/tổ chức, gây quỹ qua điện thoại. Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tâng ICT chuẩn hóa công nghệ thông tin ở mức tối thiểu theo tiêu chuẩn quốc tế và được tiếp cận sử dụng các công nghệ hiện đại ở 100% các Làng trẻ em SOS.

Về định hướng hoạt động năm 2019, Thứ trưởng đề nghị Làng trẻ em SOS Việt Nam chú ý công tác tuyển dụng nhân sự, các bà mẹ, bà dì. Đặc biệt, cần phối hợp Cục Trẻ em xây dựng quy chuẩn nuôi dạy trẻ tại các làng trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, giáo dục kỹ năng cho các mẹ, các dì.

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh