Hơn 90% lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề
- Bài thuốc hay
- 23:47 - 08/03/2015
* Qua sơ kết 5 năm (2010 -2014) về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) bà có thể cho biết những thành quả mà tỉnh gặt hái được trong giai đoạn này?
- Trước thềm năm mới, lời trước tiên tôi xin gửi đến các cấp lãnh đạo cùng toàn thể bạn đọc lời chúc một năm mới an khang – thịnh vượng, vạn sự như ý. Trong những năm qua, công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh theo Đề án đã được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành và từng địa phương.
Chính sách của Đảng, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện để người lao động có thể tham gia học nghề nhằm tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định đời sống an sinh xã hội.
Qua sơ kết 5 năm, tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 giai đoạn (2010 - 2014): 7.734 người. So với kế hoạch trong 5 năm (2010-2014): 7.734 người/10.940 người (đạt tỉ lệ: 70,7%) và so sánh với kế hoạch 11 năm (2010-2020) thực hiện Đề án của địa phương đã được phê duyệt: 7.734 người/23.484 người (đạt tỉ lệ: 32,9 %).
Tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề đã học xong: 6.503 người, số người có việc làm: 5.489 (Được doanh nghiệp/Đơn vị tuyển dụng: 966 người; tự tạo việc làm: 4.477 người; thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp: 46 người).
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương.
Các ngành nghề đào tạo trong thời gian qua được triển khai thực hiện theo đúng nhu cầu của địa phương với 20 ngành nghề then chốt, trong đó: 08 nghề thuộc nhóm nông nghiệp (trồng và nhân giống nấm, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng - chăm sóc và khai thác mủ cao su, kỹ thuật chăn nuôi - thú y, kỹ thuật trồng hoa lan, nuôi động vật hoang dã có kiểm soát, kỹ thuật trồng cây bưởi, kỹ thuật trồng rau an toàn);
12 nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp (may công nghiệp, điện công nghiệp, điện gia dụng, may gia dụng, thiết kế - tạo mẫu tóc, sửa chữa xe gắn máy, sửa chữa máy vi tính phần cứng, lái xe nâng hàng, sửa chữa diện thoại di động, nấu ăn đãi tiệc, hàn – gò, kỹ thuật chế biến gỗ).
* Những năm qua, công tác tuyển sinh trong đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, vậy địa phương có những giải pháp gì nhằm khắc phục khó khăn này trong thời gian tới?
- Nhìn chung công tác dạy nghề và nghề cho LĐNT trong những năm qua bên cạnh những thành tựu đạt được thì còn gặp một số khó khăn nhưng tỉnh đã linh động tìm ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, triển khai đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về chủ trương, chính sách, cách thức thực hiện và lợi ích của việc đào tạo cho LĐNT.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập. Nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác dạy nghề ở cấp xã để tư vấn, thu hút được người lao động tham gia học nghề theo chính sách của Đề án.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả. Kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu trình Thủ tướng chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956 phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Xây dựng và phát triển mô hình đào tạo nghề LĐNT ở các làng nghề truyền thống để phát huy những lợi thế của các làng nghề này.
* Năm 2015, tỉnh dự kiến sẽ đào tạo khoảng bao nhiêu LĐNT và giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp được thực hiện như thế nào?
- Tiếp tục thực hiện quy hoạch dạy nghề. Thúc đầy, nâng cao chất lượng tuyển sinh, năm 2015 tỉnh dự kiến mở 94 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với số lượng học viên là 2.540 người, gồm 17 nghề đào tạo theo nhu cầu của địa phương.
Giai đoạn 2016 – 2020: Đào tạo nghề cho khoảng 10.000 lao động nông thôn. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 90%.
Các lao động sau khi học nghề đa phần tự tạo việc làm theo nhu cầu địa phương. Bộ phận còn lại trực tiếp đến tìm việc thông qua các phiên giao dịch việc làm cố định tại Trung tâm giới thiệu việc làm và các sàn lưu động được tổ chức ở từng huyện với mức lương thỏa thuận phù hợp giữa người lao động và nhà tuyển dụng.
Qua đánh giá từ thực tế các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao về trình độ tay nghề của các học viên sau khi tốt nghiệp. Họ rất tin tưởng về kỹ năng đào tạo của trung tâm và đa phần khi nhận lao động về làm việc họ yên tâm giao việc mà không cần mất thời gian để đào tạo lại.
Đạt được kết quả như vậy là trong quá trình học, các học viên được đi thực tập ở một số công ty với sự hướng dẫn của các giáo viên giàu kinh nghiệm và từ phía đối tác.