Hơn 70.000 sinh viên chậm tốt nghiệp do đại dịch: Ưu tiên tháo gỡ để giải quyết nguồn nhân lực
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:49 - 18/12/2021
Bị chậm thời gian tốt nghiệp, Trần Thị Mai Linh, SV năm cuối Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Phú Thọ khá lo lắng: "Em bắt đầu kế hoạch thực tập từ cuối tháng 5, tuy nhiên bị gián đoạn do dịch Covid-19 kéo dài, phức tạp. Thời gian thực tập của em bị kéo dài đến tháng 12/2021. Sau đó, trường sẽ xem xét làm lễ tốt nghiệp. Em mong dịch bệnh sớm qua đi, để em hoàn thiện thủ tục ra trường và mau chóng kiếm được công việc ổn định".
Còn N.V.A, SV năm cuối khoa cơ khí chế tạo máy Trường Đại học (ĐH) Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Hiện em còn hai môn chưa thi, khóa luận tốt nghiệp cũng chưa xong. Nhà trường vừa thông báo cho đăng ký học tập trung tại trường các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án... nhưng em vẫn ở quê, chưa tiêm vaccine nên đành chịu".
Trong khi đó, P.Q.T. (SV năm cuối khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) dù đã thi xong các môn học nhưng vẫn còn học phần thực tập chưa hoàn thành và chứng chỉ tiếng Anh đầu ra chưa thi. "Em ở lại TP. Hồ Chí Minh nhưng thời gian giãn cách kéo mấy tháng nay không thể đi thực tập. Ngành em học bắt buộc phải thực tập tại doanh nghiệp. Trong khi đó, công ty du lịch chưa biết bao giờ mới hoạt động trở lại", T. lo lắng.
PGS, TS Dương Đức Hồng, Hiệu Phó Trường CĐ nghề Bách Khoa Hà Nội cho biết, đặc điểm của trường nghề là có tới 60% thời lượng thực hành nên sinh viên bắt buộc phải đến trực tiếp, được "cầm tay chỉ việc" mới có thể đạt được thao tác chuẩn và kỹ năng nghề thuần thục. "Việc học thực hành của SV chưa thể thực hiện cũng là trăn trở của nhà trường. Ngay sau khi tình hình dịch dần ổn định, nhà trường đã nhanh chóng sắp xếp, tổ chức các lớp học thực hành nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nghiệp cho học sinh”, PGS, TS Dương Đức Hồng nói.
Theo PGS, TS Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, bình thường một đợt trường xét tốt nghiệp khoảng 2.000 SV nhưng đợt xét tháng 9 vừa qua chỉ có 600 SV.
"Một số ngành, đặc biệt là kỹ thuật, cần thực nghiệm đánh giá kết quả bằng trang thiết bị máy móc thì không thể triển khai thực tế trong đề tài tốt nghiệp nên tạm hoãn không bảo vệ, đợi hết dịch mới thực hiện. Do vậy, trường chỉ có 1/3 SV tốt nghiệp so với mọi năm", ông Thịnh cho biết.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch Covid-19, dù trường chủ động triển khai các hình thức thi đa dạng như vấn đáp, tiểu luận có thuyết trình, không thuyết trình, thi trực tuyến... nhưng hiện tiến độ hoàn thành chương trình của nhiều SV vẫn chậm, đặc biệt khối công nghệ bị ảnh hưởng nhiều, chiếm gần 50%.
Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết cần nhất quán để thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để cung cấp nhân lực cho kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
“Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần có một nền giáo dục 4.0. Nếu nền giáo dục không đạt trình độ như vậy thì khó kỳ vọng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là ở giáo dục ĐH”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, nhiều trường đã và đang ưu tiên cho SV năm cuối, thiếu học phần thực hành, thí nghiệm hoặc giờ làm khóa luận được đăng ký trở lại trường học trực tiếp để hoàn thành khóa học.
Đơn cử như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh bắt đầu cho SV đến trường học thực hành, chia theo từng nhóm nhỏ 10 - 15 SV để kịp tiến độ tốt nghiệp, với điều kiện SV đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và nghiêm túc thực hiện 5K.