THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:12

Hiệu quả các mô hình giải quyết việc làm cho LĐNT

Theo số liệu thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Quảng Điền, tính đến cuối năm 2015, toàn huyện có 61.071 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 43.403 LĐNT. Tuy nhiên, cả huyện mới có 15.950 lao động đã qua đào tạo nghề, chiếm 32.48%. Hầu như tất cả lao động ở Quảng Điền sau khi được dạy nghề, đều tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm và có thu nhập ổn định. Để có được những thành quả đó, vai trò của các làng nghề truyền thống, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp hay các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện, đóng vai trò quan trọng.

Trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, UBND huyện Quảng Điền đã có chủ trương khuyến khích khôi phục những làng nghề sản xuất truyền thống như: Làng nghề mây tre đan Bao La xã Quảng Phú, Thủy Lập xã Quảng Lợi, bún bánh Ô Sa xã Quảng Vinh, rượu Lai Hà xã Quảng Thái, chả da Quảng Thành, nước mắm Tân Thành…Từ những năm 2005 trở về trước, các làng nghề này chưa được quan tâm đúng mức, nên tỉ lệ lao động nhàn rỗi sau mùa vụ rất lớn.

Các làng nghề truyền thống, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp góp phần tích cực tạo việc làm cho LĐNT huyện Quảng Điền.

Sau khi được chọn làm điểm đơn vị đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh Thừa Thiên-Huế, cùng với việc khôi phục các làng nghề truyền thống, UBND huyện Quảng Điền còn thành lập các HTX sản xuất dịch vụ làng nghề Bao La, Thủy Lập. Bà Phan Thị Hóa, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Quảng Điền cho biết, trên địa bàn huyện có 4 làng nghề truyền thống hoạt động rất hiệu quả và góp phần rất lớn vào giải quyết việc làm cho nhiều lao động. HTX mây tre đan Bao La thu hút 60 lao động làm việc tại chỗ và khoảng 40 lao động nhận sản phẩm về làm tại nhà. Thu nhập bình quân của mỗi người đạt khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. HTX mây tre đan Thủy Lập có 20 lao động làm việc thường xuyên tại chỗ và vài chục hộ nhận sản phẩm về nhà làm. Ngoài sản phẩm mây tre đan, HTX Thủy Lập còn nhận đan ghế nhựa, vào thời gian cao điểm đã thu hút được khoảng 600 lao động nông nhàn trên địa bàn thôn Thủy Lập và các thôn khác của xã Quảng Lợi, với thu nhập bình quân từ 2,5- 3 triệu đồng đồng/lao động/tháng.

Chị Nguyễn Thị Tình, có thâm niên trong nghề đan đát mây tre phấn khởi: “Trước đây gia đình tôi cấy mấy sào lúa, luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi HTX đi vào hoạt động, tôi và nhiều người dân khác trên địa bàn luôn có việc làm, có thu nhập ổn định. Việc gia công sản phẩm này cũng không khó, sau một tuần được chỉ dẫn kỹ thuật, ai cũng làm được, chăm chỉ siêng năng, sẽ có thu nhập khá hơn so với trồng lúa ..."

Hai làng nghề truyền thống khác cũng góp phần giải quyết nhiều việc làm cho là làng bún bánh Ô Sa và làng nghề nước mắm Tân Thành. Ngoài sản xuất nông nghiệp, mỗi người dân làm bún có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nghề làm nước mắm Tân Thành do làm việc theo thời vụ, tính theo ngày công mỗi người  thu nhập khoảng 150.000 đồng.

Cùng với các làng nghề truyền thống, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền cũng tích cực tham gia dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ cho LĐNT.Tiêu biểu là cơ sở đan ghế nhựa của thôn Nam Phù (xã Quảng Phú) liên kết với Công ty đan ghế nhựa xuất khẩu Hiệp Thành (trụ sở tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) tạo việc làm ổn định cho 32 lao động nữ trong thôn, người lành nghề có thu nhập ổn định từ 2,3- 2,5 triệu đồng/tháng. “Nhiều chị siêng năng, nhận hàng mang về nhà đan thêm có thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng. Đây là một khoản thu nhập khá với vùng nông thôn…”-ông Trần Văn An, trưởng thôn Nam Phù cho biết.

Trong giải quyết việc làm cho LĐNT ở huyện Quảng Điền, không thể không nhắc đến mô hình trồng rau sạch ở xã Quảng Thành. Để giúp người dân hiểu được quy trình trồng rau sạch, UBND xã Quảng Thành đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện, các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn và tỉnh Thừa Thiên-Huế mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch, an toàn. Hiện nay, diện tích rau sạch ở Quảng Thành không ngừng tăng lên, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Sản phẩm rau sạch Quảng Thành đã được khẳng định không chỉ trong địa bàn huyện, mà còn cung ứng cho các chợ đầu mối, siêu thị ở TP. Huế, các thị xã Hương Trà, Hương Thủy, huyện Phú Vang,…Với giá trị kinh tế cao, bình quân mỗi ha cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, mô hình rau sạch Quảng Thành không chỉ giúp hàng trăm hộ thoát  nghèo, vươn lên khá giả. 

THẢO VI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh