Hơn 1,1 triệu học sinh được tiếp cận với Thư viện thân thiện trường tiểu học
- Giáo dục nghề nghiệp
- 08:42 - 16/07/2023
Vừa qua, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ GD&ĐT phối hợp với tổ chức Room to Read tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Thư viện thân thiện trường tiểu học giai đoạn 2020 - 2023.
Hội nghị tổng kết là nơi Ban điều phối chương trình cấp Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các tỉnh, đại diện ban giám hiệu cùng nhân viên thư viện các trường, và tổ chức Room to Read cùng nhìn lại hành trình thực hiện chương trình trong suốt 3,5 năm vừa qua, cùng chia sẻ các định hướng, kế hoạch duy trì, phát triển bền vững các thư viện trong tương lai.
Đồng thời cũng tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia và nâng cao năng lực của người làm công tác thư viện tại trường học; tăng cường sự giao lưu, chia sẻ, học hỏi giữa các địa phương để cùng xây dựng môi trường đọc thân thiện tại nhà trường thông qua thư viện, qua đó nâng cao thói quen đọc sách và tình yêu đối với sách của các em học sinh.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Trưởng Ban điều phối chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” cấp Bộ Trịnh Hoài Thu nhận định: Để xây dựng khả năng tự học cho học sinh, vai trò của việc đọc sách, đọc độc lập là yếu tố rất quan trọng. Nói cách khác, vai trò của thư viện trường học với mục đích chính là giúp học sinh hứng thú với việc đọc sách, hình thành thói quen đọc, hướng tới tự học và học tập suốt đời cần phải được chú trọng và quan tâm đúng mức, đặc biệt ở ngay từ cấp tiểu học.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với việc xây dựng thư viện trường tiểu học. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, để các địa phương có cơ sở pháp lý để xây dựng và tổ chức hoạt động thư viện trường tiểu học. Cùng với đó, nhiều mô hình thư viện do các địa phương và các tổ chức xã hội chủ động hỗ trợ triển khai cũng phát triển mạnh mẽ. Những mô hình thư viện xanh, thư viện cộng đồng, tủ sách phụ huynh, thư viện thân thiện… đang được triển khai rộng rãi và có tác động tích cực đến việc đọc sách, phát triển ngôn ngữ và văn hóa đọc cho học sinh tiểu học.
Sau kết quả đạt được của giai đoạn 2016 - 2020 cao hơn so với thỏa thuận ban đầu, Bộ GD&ĐT và tổ chức Room to Read đã ký tiếp thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2 từ 2021 - 2025 với mục tiêu lan tỏa sâu rộng hơn mô hình thư viện thân thiện trong cả nước, góp phần xây dựng tiêu chuẩn thư viện trường mầm non và phổ thông. Thỏa thuận hợp tác tạo điều kiện tiếp cận nguồn sách truyện thiếu nhi có chất lượng; ứng dụng kỹ thuật số và công nghệ thông tin đối với thư viện trường học nhằm đa dạng hóa tài nguyên thông tin thư viện, nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành thư viện; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chương trình…
Với mục đích nhìn lại những kết quả dự án đã đạt được, chia sẻ những kinh nghiệm triển khai chương trình tại địa phương, định hướng phát triển hoạt động thư viện sau khi kết thúc dự án trong hơn 3 năm qua, Phó Vụ trưởng Trịnh Hoài Thu mong rằng, đây cũng là dịp để các thành viên tham gia chương trình được giao lưu, thẳng thắn trao đổi, nêu những thuận lợi cũng như hạn chế để học hỏi kinh nghiệm cùng nhau và giúp Bộ GD&ĐT đưa ra các định hướng đúng đắn cho công tác thư viện, góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong hơn 3 năm thực hiện Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” đã có 70 thư viện trường tiểu học được hỗ trợ toàn phần trên 10 tỉnh/thành tổ chức thực hiện đổi mới, hoạt động hiệu quả; gần 300 nghìn quyển sách được tuyển chọn, phân loại theo trình độ đọc và cấp về các trường; 2.895 giáo viên và nhân viên thư viện đã được tập huấn để triển khai hoạt động thư viện tích cực, bài bản và hơn 1,1 triệu học sinh được tiếp cận với thư viện, hoạt động tại thư viện một cách vui vẻ, thoải mái.