Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài
- Bài thuốc hay
- 20:08 - 13/11/2018
Tham dự hội thảo có các diễn giả đến từ Tổng cục giáo dục nghề nghiệp; Cục quản lý Lao động ngoài nước; đại diện lãnh đạo Hệ thống giáo dục Hùng Hậu; Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn…
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất khẩu lao động đang trở nên sôi động, đặc biệt là thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… với hàng chục ngàn nhu cầu việc làm mỗi năm.
Đại diện báo Tiền Phong, ông Lý Thành Tâm - Trưởng Ban đại diện báo tại TP.HCM (trưởng ban tổ chức) phát biểu tại hội thảo.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 tháng đầu năm 2018 có hơn 48.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Riêng thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm có khoảng 17.400 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc, chiếm hơn 35% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mức lương của người lao động đi Nhật làm việc khá cao, sau khi trừ chi phí, thu nhập hàng tháng của một người lao động còn khoảng 800- 1.000 đô la Mỹ, nếu tính từ các khoản làm thêm, thu nhập có thể dao động từ 1.500 đến 2.000 đô la Mỹ.
Với mức thu nhập trên, nhiều lao động sau khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, người lao động còn có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài với ngành nghề phù hợp và mức lương cao nhờ kinh nghiệm và chứng chỉ có được trong thời gian xuất khẩu lao động.
Toàn cảnh hội thảo.
Mặc khác, với các trường ĐH- CĐ- TC, hiện nhiều trường cũng đã liên kết, hợp tác với các công ty XKLĐ để giải quyết đầu ra bằng cách phái cử thực tập sinh hoặc XKLĐ... Với hình thức này, sinh viên ngay khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề. Khi trở về nước, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hội tụ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý sẽ mở ra một cơ hội mới cho bản thân cũng như phục vụ cho xã hội.
Do đó, đối tượng xuất khẩu lao động ngày càng được mở rộng không chỉ lao động phổ thông, những người dân vùng quê nghèo mà kể những người trí thức, có trình độ ĐH- CĐ, gia cảnh khá giả ở khu vực thành phố cũng tham gia “xuất ngoại”. Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH có đề xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025” để trình Chính phủ.
Bà Trần Thị Vân Hà -Trưởng phòng truyền thông (Cục quản lý lao động ngoài nước) tham luận tại hội thảo.
Tuy nhiên, để đi xuất khẩu lao động cũng là một vấn đề nan giải với người lao động do liên quan đến kinh tế, vay vốn ngân hàng, vấp phải lừa đảo. Và thực tế, không ít trường hợp “dở khóc dở cười”, mang nợ vào thân do vấp phải những công ty có lừa đảo hoặc người lao động vi phạm pháp luật, bỏ trốn, chuyển đổi công việc khiến tình trạng xuất khẩu lao động chung của cả nước bị ảnh hưởng.
Trước thực tế này, Bộ LĐ- TB&XH phối hợp cùng báo Tiền Phong tổ chức hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng lạo động đi làm việc ở nước ngoài” các trường ĐH, CĐ, TC, các chuyên gia, các công ty xuất khẩu lao động, các ngân hàng cùng bàn bạc giải pháp cũng như các vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động...