THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:39

Hội nhập và bài toán nhân lực trẻ

 

Nhanh chóng cải thiện chất lượng nhân công trẻ 

Khi TPP có hiệu lực, cơ hội tiếp cận của hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đứng trước cơ hội tiếp cận các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada... với thuế nhập khẩu bằng 0%. Kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, TPP sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là từ các tập đoàn lớn.

“Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Trong xu thế hội nhập và chiều hướng phát triển hiện nay, khi gia nhập TPP, với tầm nhìn lâu dài và tổng thể, tiền lương và thu nhập của người lao động có xu hướng được cải thiện tốt hơn”, ông Dũng phân tích.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên cũng có không ít thách thức. Theo các chuyên gia, sau khi gia nhập TPP, thay vì phát triển đội ngũ lao động phổ thông giá rẻ như một lợi thế những năm qua, Việt Nam cần gia tăng số lượng lao động chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực trẻ. Tuy nhiên, đây lại là bài toán khó. Vì hiện nay, các ngành sản xuất, dịch vụ của Việt Nam đều đang đối mặt với vấn đề chất lượng lao động trẻ, bao gồm cả kỹ năng và tinh thần làm việc. Có thể thấy, trong nhiều năm qua, tỷ lệ thất nghiệp luôn thấp nhất ở mảng lao động không đòi hỏi bằng cấp và tay nghề cao như: như công nhân xây dựng, may mặc, giày da, công nhân vệ sinh…; tuy nhiên, lại đặc biệt cao ở nhóm lao động có trình độ học vấn, bao gồm: sinh viên, cử nhân, kỹ sư, thậm chí cả thạc sĩ… Đây thực sự là một mâu thuẫn khi nhóm người trẻ được đào tạo kỹ càng và bài bản từ 3 đến 5 năm lại không có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Cty CP Quản lý và Khai thác Tòa nhà PMC phân tích: Nguồn nhân lực trẻ có trình độ thấp là một rào cản khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Khi đó, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp hợp tác kinh tế đa phương và các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng giành được quyền chủ động tại thị trường Việt Nam, do sự cởi mở của luật pháp và chính sách. Các luồng di dân tự do, hàng hóa tự do, nguồn lao động tự do… sẽ tiếp cận thị trường kinh tế Việt Nam, gây ra áp lực cạnh tranh lớn với chính các doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp Việt với mô hình quản trị, thể chế quản trị và chiến lược kinh doanh cũ và nguồn nhân lực yếu kém về tay nghề sẽ không thể cạnh tranh nhân lực có trình độ tay nghề cao từ các nước như Thái Lan, Philippines… vốn có nền tảng vững mạnh về quản trị lao động, quản trị doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh bài bản và phát triển bền vững.
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, TPP sẽ giúp Việt Nam giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. Theo số liệu của Bộ Công Thương, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng thêm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, để có được kết quả này, chúng ta cần nhanh chóng cải thiện chất lượng của đội ngũ lao động, đặc biệt là nhân công trẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, sau khi gia nhập TPP, Việt Nam cần gấp rút nâng cấp công nghệ và quản trị, nếu không, chúng ta sẽ gặp bất lợi, chẳng hạn trong lĩnh vực dệt may, nhóm ngành theo lý thuyết được hưởng lợi từ TPP. Do ngày càng có nhiều doanh nghiệp quốc tế đầu tư, để tận dụng lợi thế từ TPP nên nguồn cung ứng lao động có thể sẽ bắt đầu cạn kiệt, khiến chi phí lao động gia tăng trong những năm tới. Áp lực này sẽ còn lớn hơn do lịch trình tăng lương tối thiểu theo định kỳ của chính phủ và đặc biệt là quyền được có công đoàn độc lập của công nhân theo quy định của chính TPP.

Sức ép về việc làm ở các khu đô thị sẽ tăng lên 

Thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất vận hội, thời cơ đang đến với đất nước. Không mau chóng khắc phục được yếu kém này, nước ta sẽ phải đối diện với những nguy cơ, những thách thức mới, sẽ kéo theo sự tụt hậu của đất nước. Ông Minh cho rằng, nếu trong thời gian tới, không giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chất lượng nhân lực trầm trọng, hệ quả của nó là sụt giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế... 

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tham gia TPP sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ di chuyển lao động từ nông thôn tới thành phố và các khu công nghiệp. Sức ép về việc làm ở các khu đô thị sẽ tăng lên. Vấn đề mất cân bằng giữa cung và cầu lao động có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao. Ngoài ra, nguồn nhân lực của Việt Nam trẻ và dồi dào nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn còn thấp.

Để có được thành công từ TPP, Việt Nam sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. 

Theo đó, các chuyên gia cho rằng nước ta cần có những điều chỉnh cần thiết và chủ động hơn trong việc đẩy mạnh chất lượng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất khi TPP có tác động thúc đẩy xuất khẩu.

Nguyễn Thanh / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh