THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:28

Hội nhập: Đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng - doanh nghiệp vẫn gặp khó

Lâu nay, nhiều DN nhỏ Việt Nam về nông sản, thực phẩm, thường chỉ xuất nguyên liệu thô hay làm gia công là chính nên không bị “xét giấy” thông hành, căn cước. Người nông dân và DN nhỏ cũng chưa hiểu hết về tiêu chuẩn. Tại sao DN nhỏ và vừa Việt Nam muốn xuất khẩu nhưng lại ít coi trọng và chưa thực hành nhiều về tiêu chuẩn chất lượng, một loại luật chơi phổ quát mà thế giới đã có những quy định chung là câu hỏi được đặt ra?

Ông Robert Kurilo – Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm xuất khẩu Nga tại  Hà Nội – cho hay, nhiều công ty Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tiêu chuẩn của phía Nga. Đây là một việc quan trọng mà công ty ở Việt Nam nên tăng cường chất lượng sản phẩm của mình để có thể tiếp cận thị trường được thị trường này.

Theo các chuyên gia, những yếu tố nền tảng mà DN Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững là phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu… Đây là các yêu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khó khăn của hầu hết các DN vừa và nhỏ.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – đánh giá: Các DN nhỏ gặp khó khăn trong việc thay đổi công nghệ cũng như việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt chuẩn quốc tế vào được các hệ thống phân phối của nước ngoài. Thời gian qua Bộ Công Thương cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chương trình về nâng cao năng suất chất lượng cho các DN vừa và nhỏ. 

Theo đó, Bộ Công Thương đã có các chương trình Khuyến công để hỗ trợ các DN ở khu vực nông thôn chế biến ra những sản phẩm nông nghiệp nông thôn bằng cách tư vấn về công nghệ, cung cấp hỗ trợ chuyển giao công nghệ…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ông Phạm Công Tạc nhận định, trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành một vấn nạn, việc giải cứu nông sản diễn ra thường xuyên. Có một hiện tượng là người bán và người mua không tin nhau. Như vậy, giữa khâu sản xuất, người cung ứng, người tiêu thụ có 1 khoảng trống. 

Do đó, Bộ Tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng lao - Chuẩn hội nhập – là một trong những công cụ để có kết nối lại lòng tin giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, ông Phạm Công Tạc cho hay, để người mua và người bán hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau thì cần có phông văn hóa của người tham gia vào từ quá trình sản xuất, đóng gói và mang ra thị trường. Việc này cần thời gian lâu dài.

Theo ông Tạc, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ KH&CN bắt buộc phải có một công cụ quản lý được chất lượng các sản phẩm nông sản và thực phẩm an toàn tại thị trường trong nước cũng như tại thị trường nước ngoài, đây là điều bắt buộc, nếu không sẽ gây thiệt hại và mất uy tín rất lớn đối với các sản phẩm này trong quá trình xuất khẩu.

bà Vũ Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cơ hội của ngành thực phẩm Việt Nam vào thị trường thế giới rất lớn. Năm 2017, Việt Nam đã xuất được 66 triệu USD hàng hóa sang hệ thống của Centre Group của Thái Lan; Aeon cũng đã xuất khẩu trực tiếp được 200 triệu USD hàng Việt Nam sang chuỗi siêu thị của hãng này.

“Bản thân các hệ thống siêu thị nước ngoài đã kết hợp với Bộ Công Thương tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn kĩ năng chi tiết về các tiêu chí, tiêu chuẩn cùng các phương thức bán hàng vào hệ thống của họ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối của họ tại nước ngoài”, bà Nga cho biết.

Cũng theo bà Nga, để thúc đẩy hơn nữa việc đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống các siêu thị nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm và nông sản an toàn, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều chương trình kết nối cung cầu, marketing giới thiệu hàng hóa để đưa đến cho các nhà sản xuất cũng như các nhà nhập khẩu biết được nhu cầu của các hệ thống phân phối; các chính sách pháp luật cần quan tâm.

Đánh giá cao công tác tổ chức của Hội, bà Lê Việt Nga cũng đề nghị Hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cũng như các cơ quan chức năng ngành Công Thương thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ hàng thực phẩm, bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối trên cả nước; thực hiện các chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các DN cần nâng cao tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mình; đẩy mạnh công tác truyền thông, marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh