CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:46

Hội nghị văn hóa toàn quốc: Chú trọng giá trị con người trong phát triển đất nước

Cách đây 75 năm, ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”.

Tròn 75 năm kể từ đó, dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đó là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.

3-15527488739432094790575

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, năm 2021 là năm đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng: Năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 mà Đảng ta đã hoạch định đồng thời hướng tới năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Đảng đã đặt ra mục tiêu lúc đó nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển. Năm 2021 cũng đánh dấu 35 năm công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt hơn nữa, năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất ngày 24/11/1946, chính vì vậy Bộ VH-TT&DL chủ động tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, sau đó Thường trực Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho các ban Đảng, các tổ chức có liên quan nhằm tổ chức triển khai sớm các hoạt động về lĩnh vực văn hóa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tiến hành với mục tiêu xuyên suốt là triển khai Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của tất cả các tổ chức Đảng dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trải qua 75 năm, những bài học của việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là một cách làm phù hợp, kế thừa và phát huy được tinh thần và ý nghĩa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ bám sát tổng thể của quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Hội nghị cũng cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhất là sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa. Sự quan tâm đó là có cơ sở lý luận và thực tiễn, bởi các văn kiện của Đảng đều khẳng định phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển, là một trong 4 trụ cột mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nói rất rõ. Do đó, quy mô của hội nghị khá lớn, tính chất toàn quốc, nên bên cạnh việc tổ chức tại hội trường Diên Hồng với sự tham dự của gần 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sỹ, tổ chức chính trị xã hội thì hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến tất cả các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm điểm cầu của các tỉnh, thành ủy, quy mô tập thể Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh, các cơ quan ban ngành đoàn thể cấp tỉnh).

“Trọng tâm xuyên suốt của hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa. Dựa trên đường lối của Đảng ta, đặc biệt là tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa được Đảng ta xác định là kim chỉ nam cho hành động, thì chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được thành tựu, khó khăn, yếu kém gì? Từ đó rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có nhận thức đúng đắn, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Sau hội nghị, chúng ta phải xác định hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp và dân sinh. Khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì doanh nghiệp được coi là trái tim của nền kinh tế. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa… Đặc biệt, sau hội nghị, chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước, nhưng cũng không thể xây dựng theo hướng chỉ có một số giải pháp cụ thể mà phải đặt con người trong tổng thể, vừa là nhân vật trung tâm, chủ thể xây dựng văn hóa, ngược lại văn hóa hình thành nên phẩm chất cao quý của con người Việt Nam. Đó là con người của thời đại hội nhập, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh