Hội Liên hiệp phụ nữ lên tiếng vụ cưỡng hôn phạt 200 ngàn: Đó là tấn công tình dục
- Pháp luật
- 13:14 - 22/03/2019
Trong những ngày qua, dư luận hết sức bức xúc sau khi một đoạn clip quay lại cảnh cô gái trẻ bị "cưỡng hôn" bởi người đàn ông trong thang máy. Sự việc này còn được đẩy lên cao trào, khiến nhiều người quan tâm hơn khi mức xử phạt đối với người đàn ông kia là 200 nghìn đồng.
Nạn nhân có thể bị sang chấn tâm lý
Chia sẻ với PV, bà Phạm Thị Hương Giang - giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, từ kinh nghiệm hỗ trợ tâm lý cho nhiều trường hợp tại "Ngôi nhà Bình yên", bà đánh giá hành vi cưỡng hôn trong tháng máy là hành vi tấn công tình dục.
Bà Phạm Thị Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển
Bà Giang nhận định, hành vi của người đàn ông kia đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân và sự an toàn thân thể của cá nhân.
Người đại diện Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam) đánh giá hành vi này chắc chắn đã ít nhiều gây cho nạn nhân những sang chấn tâm lý.
"Với các biểu hiện có thể có như cảm giác không an toàn, chán nản, thất vọng, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, sợ bị trả thù; khó kiểm soát tâm trạng, lúc bối rối, lúc giận dữ, phẫn nộ.
Nghiêm trọng hơn, có thể sẽ xuất hiện thái độ thù địch, bất cần, thù hận (dễ bị kích động, có thể có hành vi hủy hoại bản thân hoặc làm tổn thương người khác)", bà Giang nhận xét.
Mọi người cần phải chung tay để đẩy lùi bạo lực hay xâm hại phụ nữ.
Theo bà Giang, từ hậu quả đối với cá nhân trên, cùng với việc xử lý không nghiêm minh, dễ làm cho nạn nhân có thái độ cảnh giác, né tránh, không muốn tiếp xúc với bên ngoài hoặc có thể từ chối các dịch vụ hỗ trợ.
Tổn thương thêm một lần nữa
Trong vụ việc vừa qua xảy ra ở một tòa nhà trên địa bàn quận Thanh Xuân, cơ quan chức năng căn cứ xử lý đối với Đỗ Mạnh H. (47 tuổi, quê Hải Phòng) 200.000 đồng theo Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167 về hành vi Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Nêu quan điểm về hình thức áp dụng trên, giám đốc Trung tâm Phát triển Phụ nữ cho rằng quy định đưa ra mức xử phạt quá thấp. Do vậy không có tính giáo dục răn đe và thậm chí phản tác dụng, khiến cho dư luận bức xúc.
"Nó khiến cho người ta có cảm giác thà đừng phạt còn hơn. Phạt xong đưa lên như thế này chẳng khác gì gây tổn thương người phụ nữ thêm một lần nữa. Điều này sẽ tạo tiền đề cho việc dung túng các hành vi quấy rối phụ nữ ở nơi công cộng", bà Giang nói.
Nạn nhân có thể bị sang chấn tâm lý nếu pháp luật không nghiêm minh
Nếu muốn hạn chế được tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác tương tự như tình huống trên, bà Giang cho rằng, cần sớm sửa đổi quy định của pháp luật. Các cơ quan nhà nước nên chăng sử dụng Điều 155 của BLHS để xử lý hành vi này thay vì sử dụng Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
"Những hậu quả của những việc tương tự trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, không thể xử lý hành chính hay chỉ phạt tiền được. Cần có hướng dẫn theo ngành dọc của từng cơ quan tư pháp với mục đích: Pháp luật phải thực sự là công cụ giáo dục hữu hiệu hoặc để trừng trị, xử lý đúng mức, nghiêm khắc đối với những hành vi xâm phạm quyền an toàn của con người nói chung, xâm hại danh dự và thân thể phụ nữ, trẻ em nói riêng" - giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đề nghị.
Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định Tội làm nhục người khác, trong đó: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.